Bén rễ: Hỗ trợ hộ nông dân & sản xuất nhỏ lẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn
Với số lượng ước tính khoảng 450-500 triệu đại diện cho 85% số trang trại trên toàn thế giới, các hộ nông dân nhỏ lẻ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị thực phẩm của mỗi quốc gia và góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu (Harvey et al. 2014). Tuy vậy, nhóm này phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm thiếu khả năng tiếp cận vốn, thị trường và công nghệ, cũng như nhiều rủi ro về khí hậu, sức khỏe và tài chính. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi người nông dân nhỏ lẻ chiếm phần lớn tỷ lệ hộ nghèo đói trên thế giới.
Thực tế càng nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ cho nhóm lao động quan trọng nhưng dễ bị tổn thương này. Để đáp ứng nhu cầu đó, Evergreen Labs (EGL) đã phát triển doanh nghiệp xã hội đầu tiên của mình, HealthyFarm, với mục đích duy nhất là hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ lẻ và thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm có chất lượng cao. Sau hơn 5 năm hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi đề xuất ba hướng hành động mà mọi cá nhân và cộng đồng có thể làm để góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu về đề xuất này của chúng tôi qua bài viết đợt này.
Hành động #1: Tiêu dùng địa phương
Các sản phẩm nông nghiệp thường phải trải qua một chặng đường dài để đi từ hộ sản xuất nhỏ lẻ đến tay người tiêu dùng. Ví dụ, sản phẩm có thể đi từ nông dân đến tiểu thương, qua đại lý trung gian rồi đến doanh nghiệp lớn, sau đó thông qua mạng lưới bán buôn và bán lẻ để đến với khách hàng. Chuỗi cung ứng – giá trị này cũng có thể vượt đại dương để đưa hàng hóa đi xuất khẩu. Hành trình này có sự tham gia của nhiều bên trung gian và các dịch vụ bổ sung trong mỗi bước, làm tăng giá thành sản phẩm và dẫn đến việc sản phẩm có giá cao cho người tiêu dùng nhưng mang lại lợi nhuận thấp cho nhà sản xuất, chưa kể đến tác động môi trường do vận chuyển hàng hóa đường dài. Tuy nhiên, vấn đề này thường ít được người tiêu dùng bình thường để ý khi mua bán tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị bán lẻ truyền thống.
Mua hàng địa phương là giải pháp đơn giản cho vấn đề này. Đúng như cách gọi, mua hàng địa phương là việc tiêu thụ nguồn thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác một cách trực tiếp từ người nông dân ở khu vực gần bạn. Đứng từ quan điểm của người tiêu dùng, việc tìm kiếm các sản phẩm địa phương có chất lượng sẽ là một thách thức. Điều này đặc biệt đúng ở những quốc gia thiếu các quy định và quy chuẩn của nhà nước trong việc quản lý quy trình sản xuất. Ngược lại, ở các quốc gia có quy định nghiêm ngặt về chất lượng thực phẩm, các hộ nông dân quy mô nhỏ ở địa phương cần tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất cao, sản phẩm địa phương thực sự có thể an toàn hơn các sản phẩm nhập khẩu. Khi đó, người nông dân có thể thu được đầy đủ lợi nhuận họ xứng đáng được hưởng mà không thông qua đơn vị trung gian.
Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra ở với các quốc gia nơi các quy định về chất lượng thực phẩm không được thực hành một cách nghiêm ngặt, dẫn đến hành vi tự phát của các hộ nông dân nhỏ lẻ và người tiêu dùng nói chung không tin tưởng các sản phẩm có nguồn gốc địa phương? Hướng hành động tiếp theo sẽ có câu trả lời cho bạn.
Hành động #2: Xác định và lựa chọn hỗ trợ cho các hộ nông dân đáng tin cậy
Với thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng trưởng trong những năm gần đây ở Việt Nam, ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm đến các loại thực phẩm sạch và an toàn mặc dù giá cả của những sản phẩm này cao hơn so với giá thị trường; và xu hướng này sẽ ngày càng tăng. Vấn đề hiện nay chính là việc xác định được những hộ nông dân nhỏ lẻ đáng tin cậy, những người thường ít nhận được sự quan tâm và công nhận cho công việc của mình, và việc kết nối các hộ nông dân này với những người tiêu dùng nói trên.
Đây là khoảng cách mà các nhà đổi mới xã hội và doanh nhân xã hội có thể cân nhắc thúc đẩy thu hẹp, và trên thực tế đã có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. HealthyFarm chính là một trong những nhà sáng tạo đổi mới tiên phong như thế khi là doanh nghiệp xã hội đầu tiên được EGL khởi tạo và vận hành tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào năm 2016. Doanh nghiệp này không chỉ đi tìm kiếm những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ đáng tin cậy ở Đà Nẵng để kết nối họ và người tiêu dùng đang gặp khó khăn trong việc tìm sản phẩm chất lượng mà còn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho hơn 300 nông dân và 30 nhóm sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ để đảm bảo chất lượng đầu ra đạt tiêu chuẩn.
Một lợi ích khác của hành động này là, với việc các hộ nông dân nhỏ lẻ đáng tin cậy được nhiều người tiêu dùng chú ý và ủng hộ (và tẩy chay các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn), chuỗi cung ứng cũng cần theo đó mà cải thiện chất lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu hoặc loại bỏ những nhà sản xuất không hiệu quả và không có đạo đức. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng nhờ có các tác nhân thị trường, trong tương lai các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ có khả năng cung cấp thực phẩm sạch, tươi, an toàn và chất lượng cao.
Hành động #3: Tạo điều kiện lưu thông sản phẩm của nhà sản xuất nhỏ lẻ
Trong một bài viết trước đây, EGL đã đưa ra một ví dụ về việc các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ tại Việt Nam đã được Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE) và các sàn thương mại điện tử hỗ trợ phân phối sản phẩm trên các nền tảng thương mại kỹ thuật số trong đại dịch COVID-19. Đây là một hoạt động đáng khích lệ bởi những hoạt động này giúp thúc đẩy lưu thông sản phẩm của các nhà sản xuất nhỏ lẻ và giúp những nhà cung cấp nhỏ “tiếp cận” với nhóm khách hàng mua hàng trực tuyến với số lượng đang ngày càng tăng. Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu hoạt động này được tiếp tục thực hiện ngay cả sau đại dịch.
Có rất nhiều cách để tạo điều kiện lưu thông sản phẩm của các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Một trong số đó là đề án của VIETRADE về một chương trình tập huấn về tiếp thị và thương mại điện tử cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, với mục tiêu tạo ra nhiều kênh bán hàng và đưa thương mại điện tử thành một kênh phân phối bền vững cho toàn ngành trong tương lai.
Một ví dụ tiếp theo (lại) là HealthyFarm. Cửa hàng HealthyFarm chủ yếu phân phối các sản phẩm địa phương, điều này cho phép các hộ nông dân giới thiệu sản phẩm của mình đến một nhóm khách hàng lớn và đa dạng hơn. Trong 5 năm qua, doanh nghiệp này đã kết nối giữa các hộ sản xuất đáng tin cậy này với nhiều khách hàng lớn bao gồm Hyatt Regency Đà Nẵng, Four Seasons Nam Hải, chuỗi nhà hàng Pizza 4P’s và Novotel, những đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn.
In conclusion, smallholder farmers are the backbone of our economy. Therefore, supporting these farmers by buying locally sourced agricultural products, making them seen by the larger community, and facilitating product movement are three of the simple yet impactful solutions that any of us should be undertaking from this point onwards.
Có thể nói rằng, các hộ nông dân nhỏ lẻ chính là trụ cột trong nền kinh tế của chúng ta. Do đó, hỗ trợ những nông dân này bằng cách mua các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc địa phương, mang đến cơ hội tiếp cận thị trường và tạo điều kiện đảm bảo đầu ra cho sản phẩm là ba trong số nhiều giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện được ngay từ thời điểm này.
Tìm hiểu thêm về công việc của chúng tôi trong lĩnh vực Nông nghiệp!
Website: https://evergreenlabs.org/vi/thuc_pham/
Facebook: https://www.facebook.com/healthyfarmvn
Twitter: https://twitter.com/evergreenlabsvn