Tiêu dùng có ý thức dịp lễ Tết với “bình thường mới”
Một mùa Tết đặc biệt đang cận kề, khi người tiêu dùng rục rịch sắm sửa sớm hơn bình thường để tích trữ cho một mùa lễ thứ hai thích ứng với đại dịch COVID-19. Trong thời điểm làn sóng mua sắm dâng đến mức đỉnh điểm trong năm cùng với những cảnh báo về an toàn do đại dịch mang lại, chủ đề mua sắm có ý thức thật sự cần thiết để nhấn mạnh trong lúc này hơn bao giờ hết.
Tiêu dùng có ý thức (hay tiêu dùng có đạo đức, tiêu dùng có trách nhiệm) là cách thực hành mua sắm tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế. Nói cách khác, người tiêu dùng không đơn giản là quyết định mua hàng dựa vào sản phẩm, mà quan trọng là dựa vào quy trình tạo ra sản phẩm đó cũng như kim chỉ nam đạo đức của doanh nghiệp – không hy sinh đời sống của con người, động vật hay môi trường cho mục đích lợi nhuận. Bằng cách hỗ trợ tiêu dùng có ý thức, người tiêu dùng đang góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy lùi nạn bóc lột người lao động, lao động trẻ em và bóc lột động vật.
Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) vào năm 2021, 90% trong tổng số 14,000 người tiêu dùng trên chín quốc gia cho rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến góc nhìn của họ về tính bền vững của môi trường. Hơn nữa, theo Báo cáo Tính bền vững trong Doanh nghiệp của Nielsen vào năm 2019, 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty cam kết đóng góp tạo ra ảnh hưởng tốt cho môi trường và xã hội. Điều này dẫn đến kết quả rằng người tiêu dùng Việt Nam thuộc nhóm có ý thức xã hội nhất so với 76% người tiêu dùng ở châu Á Thái Bình Dương.
Với người tiêu dùng Việt Nam, vào dịp Tết, nhu cầu mua sắm để cúng kiếng, đãi tiệc hay thay mới vật dụng trong nhà cửa tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng rác thải khổng lồ được thải ra môi trường, trong đó bao bì dùng một lần chiếm tỉ trọng lớn. Điển hình, thành phố Hà Nội xử lý hơn 35.600 tấn rác thải trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua, và lượng rác thải được cho là tăng đột biến vào những ngày cận Tết. Hơn nữa, việc duy trì những tập tục, lễ nghi trong ngày Tết, như rải vàng mã hay thả cá (kèm theo cả bao bì nilon) xuống sông vào dịp đưa ông Táo về trời cũng gây góp phần gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Bên cạnh đó, việc thải thức ăn dư thừa sau Tết cũng là một vấn đề khác mà việc tiêu thụ thiếu ý thức gây ra. Như vậy, bên cạnh hành động của chính phủ và các doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng đóng một vai trò chủ chốt trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường trong dịp lễ đặc biệt này. Đây là một số cách mà Evergreen Labs gợi ý để người tiêu dùng có thể đưa ra những quyết định mua hàng cho một cái Tết ấm no, lành mạnh và tạo tác động bền vững.
- Tối giản một cách có ý thức
Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định mua sắm nào, hãy tự đặt ra những câu hỏi xoay quanh nguyên tắc 3R (Reduce – Cắt giảm, Reuse – Tái sử dụng và Recycle – Tái chế). Đừng chỉ lướt các nền tảng mua sắm trực tuyến một cách vô thức và làm đầy giỏ hàng chỉ để yên tâm ăn Tết. Bạn có thể cân nhắc chỉ mua những món đồ thực sự cần thiết, hoặc những món có giá trị sử dụng lâu dài; bạn cũng có thể tái sử dụng vật dụng trong gia đình hay mua một món đồ secondhand; hoặc bạn hoàn toàn có thể trao cho đồ vật một đời sống hoàn toàn mới bằng cách tái chế chúng. Đặc biệt, bạn có thể ủng hộ các doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn – nơi các đồ vật được tận dụng tối đa vòng đời của nó. Đặc biệt, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể giúp giảm thiểu áp lực về xử lý chất thải rắn cho Việt Nam sau đại dịch. Nội thất, chậu hoa, tranh treo tường hay nhiều vật dụng trang trí Tết khác được làm từ rác nhựa tái chế của ReForm Plastic, hoặc nước đóng chai thuỷ tinh có thể tái sử dụng và tái nạp của Glassia cho những bữa tiệc đoàn viên đều là những ý tưởng không tồi. Hình thức mua sắm cũng đóng vai trò quan trọng. Mang theo túi, hộp đựng, không sử dụng nhựa dùng một lần và là những cách thiết thực nhất góp phần cho một mùa Tết không rác thải.
- Lựa chọn thương hiệu bền vững và đạo đức
Là một người tiêu dùng có ý thức, bạn không chỉ mua một sản phẩm, bạn mua cách thức toàn bộ quy trình mà sản phẩm đó được tạo ra. Hơn nữa, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng đối với các chiêu trò “quảng cáo xanh” (greenwashing) – khi doanh nghiệp không thực hiện đúng những khẳng định về thực hành bền vững của họ như cách họ truyền thông. Xét về khía cạnh môi trường, sản phẩm không chỉ cần được đóng gói trong bao bì thân thiện với môi trường, chính quy trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm cũng cần tiết kiệm tối đa năng lượng và không gây ô nhiễm môi trường. Xét trên khía cạnh người lao động, một nhãn hàng có đạo đức cần đảm bảo quyền của người lao động dựa trên chế độ làm việc, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đặt người lao động vào những môi trường làm việc nguy hiểm, số giờ làm việc vượt mức so với mức lương nhằm cắt giảm chi phí sản phẩm và dịch vụ. Chẳng hạn, sự đối xử không công bằng đối với người lao động trong thị trường thời trang nhanh được nhấn mạnh trong vụ sập nhà máy ở Bangladesh vào năm 2013 khiến hơn 1,100 công nhân may thiệt mạng và hơn 2,000 công nhân bị thương. Không những thế, việc bóc lột lao động trẻ em tại các nước đang phát triển là một vấn nạn nhức nhối và bảo vệ phúc lợi động vật cũng là một khía cạnh không nên bỏ qua đối với ngành hàng thực phẩm.
Có thể lấy ví dụ về doanh nghiệp ý thức về tác động xã hội trong giải pháp của mình đó là ReForm Plastic, doanh nghiệp nâng cấp tái chế rác nhựa – không chỉ góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa mà còn hỗ trợ đời sống cho các lao công thu gom rác phi chính thức. Hay trứng gà của doanh nghiệp xã hội HealthyFarm cam kết được chăn nuôi theo phương thức nhân đạo, đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về đảm bảo phúc lợi động vật trong chăn nuôi.
- Ủng hộ doanh nghiệp địa phương
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp địa phương điêu đứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc ủng hộ các doanh nghiệp địa phương không chỉ góp phần giảm gánh nặng của việc vận chuyển hàng hoá lên môi trường, mà còn giúp tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như giữ gìn bản sắc văn hoá. Điển hình, các doanh nghiệp địa phương của Evergreen Labs cũng thực hành việc cam kết tuyển dụng lao động địa phương, vận hành các mô hình sản xuất phi tập trung. Đặc biệt, doanh nghiệp xã hội HealthyFarm – nơi kinh doanh các sản phẩm địa phương chất lượng, đã góp phần cải thiện kinh tế địa phương cũng như cải thiện cuộc sống cho người nông dân tại Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng dịp Tết cổ truyền là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương phát huy các giá trị văn hoá và tính độc đáo của vùng miền. Vì thế, HealthyFarm cũng đã tận dụng cơ hội đó để mang đến những gói quà Tết mang đậm dấu ấn địa phương, với những gói hàng thân thiện với môi trường và vẫn giữ được yêu cầu về vệ sinh nhằm thay thế cho những bao bì thực phẩm dùng một lần.
Hành động mua hàng của chúng ta có thể được xem như một dạng thức của sức mạnh và tiếng nói cho sự thay đổi hướng đến một xã hội bền vững. Bằng cách lựa chọn sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan và có ý thức, người tiêu dùng hoàn toàn có thể góp phần nâng cao tiêu chuẩn về tính bền vững, đạo đức và tính bao trùm của doanh nghiệp. Hãy tận hưởng một mùa Tết trọn vẹn và ý nghĩa hơn bằng cách tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội qua quyết định mua hàng của mình nhé.