Tại sao việc chuyển đổi khỏi nền kinh tế tuyến tính lại vô cùng cấp thiết?
Trong khi thế giới phải đảm bảo đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu dự kiến của 10 tỷ người vào năm 2050, thì nền kinh tế tuyến tính hiện tại không chỉ không cung cấp nguồn tài nguyên đó một cách bền vững mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng khẩn cấp khí hậu, đặt cuộc sống con người lẫn hành tinh vào tình cảnh hiểm nguy.
Trong báo cáo mới nhất năm 2022, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã cảnh báo rõ về tình trạng khẩn cấp khí hậu. Với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt, bão và cháy rừng, một số quốc gia có khả năng bị xóa sổ hoàn toàn do biến đổi khí hậu nếu các hành động cấp thiết không được thực hiện. Trên thực tế, với nhiệt độ ấm lên toàn cầu trung bình hiện nay là 1,1 độ C, những hiện tượng này ngày một diễn ra thường xuyên hơn. Trước bối cảnh đó, cộng với tình trạng dân số ngày càng tăng, nền kinh tế tuyến tính hiện tại đang làm gia tăng lượng khí thải toàn cầu và làm cạn kiệt tài nguyên, góp phần đẩy nhiệt độ ấm lên toàn cầu đến mức tăng 1,5 độ – trường hợp xấu nhất khi biến đổi khí hậu xảy ra. Vậy, nền kinh tế tuyến tính là gì và tại sao nó lại làm trầm trọng tình trạng khẩn cấp khí hậu? Cùng Evergreen Labs tìm hiểu nhé.
Vòng lặp “Khai thác – Sản xuất – Vứt bỏ”
Nền kinh tế tuyến tính truyền thống vận hành dựa trên mô hình “khai thác – sản xuất – vứt bỏ” lặp đi lặp lại. Điều này có nghĩa rằng các nguyên liệu thô được khai thác, sau đó được chế tạo và sản xuất thành một sản phẩm và được tiêu thụ cho đến khi nó bị vứt bỏ, bất kể nó có thể được tái sử dụng hay tái chế hay không. Giá trị của nền kinh tế này được định mức dựa trên việc sản xuất càng nhiều sản phẩm tạo ra lợi nhuận càng tốt, và khi đó môi trường được xem như một nguồn tài nguyên vô hạn miễn phí phục vụ cho sự tiêu dùng vô độ của con người. Nền kinh tế này tạo ra một lượng lớn rác thải chôn lấp, và thường là độc hại, đồng thời làm tăng thêm sự thiếu hụt tài nguyên thô. Mỗi năm, thế giới tạo ra 2,01 tỷ tấn chất thải rắn đô thị, với ít nhất 33% trong số đó không được xử lý theo cách an toàn với môi trường, trong khi nền kinh tế toàn cầu hiện chỉ có 8,6% là tuần hoàn.

- Làm cạn kiệt tài nguyên
Hệ thống kinh tế tuyến tính hiện tại định nghĩa rằng sản phẩm sẽ bị tiêu hủy khi hết giá trị sử dụng, và đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên nghiêm trọng, theo Michelini và các cộng sự. Đây là một điều dễ hiểu, bởi kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất nổ ra, sự tăng trưởng kinh tế luôn song hành mật thiết với việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo UNEP, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp ba lần kể từ những năm 1970 đến nay. Và đến năm 2060, việc sử dụng nguyên liệu toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi từ 92 tỷ lên 190 tỷ tấn, trong khi lượng khí thải nhà kính có thể tăng 43%. Có thể thấy rằng tỷ lệ khai thác tài nguyên hiện tại và tương lai của chúng ta đang tỉ lệ thuận với mức tiêu thụ tăng mạnh và sự phụ thuộc vào các sản phẩm, bao bì sử dụng một lần có nguồn gốc từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn hữu, chẳng hạn như nhiên liệu hóa thạch. Với mức độ khai thác này, chúng ta cần khả năng tái tạo của 1,75 Trái đất để cung cấp đủ tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ sinh thái cần thiết nhằm duy trì các mô hình tiêu dùng hiện tại.
- Tổn thất đa dạng sinh học
Một số hoạt động như phá rừng, làm nông nghiệp và khai thác mỏ đang khai thác nguyên liệu thô một cách không bền vững và gây hại cho hệ sinh thái của hành tinh chúng ta. Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, việc khai thác – một thành phần quan trọng của nền kinh tế tuyến tính chính là nguyên nhân dẫn đến việc mất đa dạng sinh học. Việc rừng và đầm lầy bị phá hủy để nhường chỗ cho phát triển đất nông nghiệp gây ra 80% tổn thất đa dạng sinh học và 85% tình trạng thiếu nước trầm trọng. Báo cáo IPCC 2022 cũng nhấn mạnh rằng khi mức độ ấm lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C trong vài thập kỷ, nó sẽ gây ra những hậu quả vô cùng to lớn và thường là vĩnh viễn đối với các hệ sinh thái đại dương cũng như đa dạng sinh học. Hơn nữa, môi trường thay đổi còn gây ra sự gia tăng các thảm họa thiên nhiên và ô nhiễm, cả hai yếu tố đều đe dọa cuộc sống con người. Chẳng hạn cư dân đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) là nạn nhân của sự biến đổi này, khi chính họ và sinh kế của họ phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và nhiễm mặn do tác động của nước biển xâm nhập sâu hơn vào đất liền qua các con sông.

- Chất thải và nạn ô nhiễm
Rác thải, nằm cuối chuỗi giá trị tuyến tính, góp phần trực tiếp vào phát thải khí nhà kính và vấn nạn khí hậu toàn cầu. Trong đó, gần 50% lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu đến từ việc sản xuất và tiêu thụ các vật dụng hàng ngày. Nếu bao gồm cả lượng khí thải phục vụ cho mục đích vận chuyển hàng hóa và năng lượng vận hành các tòa nhà không phải nhà ở, con số này sẽ tăng vọt lên 70% tổng lượng khí thải toàn cầu. Không những chiếm diện tích đất sản xuất, hàng đống rác thải còn làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm khi nó hỗ trợ vi khuẩn sinh sôi trong môi trường không có oxy. Khi vi khuẩn trong chất thải phân hủy, chúng thải ra CO2 và methane, trong đó khí methane được coi là tác nhân gây ấm lên toàn cầu hiệu quả hơn 84 lần so với CO2 trong 20 năm đầu tiên được phát hiện. Ngày nay, thế giới sản sinh ra hơn 2 tỷ tấn chất thải rắn, và con số này còn được dự đoán sẽ tăng lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050. Trong đó, rác thải – thứ được xem là không có giá trị trong nền kinh tế tuyến tính – bao gồm 44% thực phẩm và chất hữu cơ, 17% giấy và 12% nhựa – tất cả đều có thể trở nên hữu ích trong nền kinh tế tuần hoàn.
- Bất bình đẳng xã hội
Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, người dân các nước thu nhập cao tiêu tốn 9,8 tấn tài nguyên mỗi năm, tương đương với cân nặng hai con voi, gấp 13 lần so với các nước thu nhập thấp. Thế nhưng, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nền kinh tế tuyến tính, nhóm thu nhập thấp lại đang bị đối xử bất bình đẳng. Trong đó, chúng ta không thể không kể đến những vấn đề đáng báo động như lao động được trả lương thấp và làm việc quá sức trong môi trường độc hại, việc quản lý chất thải kém trong các cộng đồng thiệt thòi và xung đột chính trị dựa vào tranh giành tài nguyên. Đáng chú ý, ô nhiễm nhựa ảnh hưởng một cách không đồng đều lên các nhóm và cộng đồng dễ bị tổn thương sống gần các địa điểm sản xuất và xử lý nhựa, dẫn đến bất công môi trường. Báo cáo mới nhất của IPCC cũng cảnh báo chúng ta về tác động của khủng hoảng khí hậu đối với con người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Họ ước tính rằng hiện nay có tới 3,6 triệu người rất có thể bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Các nhóm dân cư ở những nơi dễ bị tổn thương nhất (đặc biệt là ở Đông, Trung và Tây Phi, Nam Á, Micronesia và Melanesia, và Trung Mỹ) đòi hỏi phải có sự thích nghi khẩn cấp nhất. Những khu vực này phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn như mức độ nghèo đói cao, khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu thấp, sự bất ổn tài chính và bất bình đẳng giới cũng như các thách thức khác. Hơn nữa, những tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch COVID-19 còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, tăng tính dễ bị tổn thương hiện có đối với biến đổi khí hậu và hạn chế khả năng thích ứng của các cộng đồng này.
Trong những bài viết tiếp theo, EGL sẽ gợi ý cho độc giả một số ý tưởng để chuyển đổi khỏi nền kinh tế tuyến tính, cũng như giới thiệu cách chúng tôi đang thử nghiệm những mô hình tuần hoàn đổi mới, sáng tạo trong studio liên doanh của mình.