Tại sao kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế của tương lai? – Từ góc nhìn môi trường, xã hội và kinh tế
Nền kinh tế hiện tại đang mắc kẹt trong một hệ thống có lợi cho mô hình sản xuất và tiêu dùng tuyến tính, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và đe dọa cuộc sống con người và hành tinh mà tất cả chúng ta đang phụ thuộc vào. Tuy nhiên, sự tuần hoàn đang thâm nhập vào nền kinh tế tuyến tính vì những lợi ích hiển nhiên của nó trong ba lĩnh vực: môi trường, xã hội và kinh tế. Một nền kinh tế tuần hoàn, trái ngược với mô hình ‘khai thác – sản xuất – vứt bỏ’ tuyến tính, được thiết kế theo mô hình tái tạo nhằm mục đích dần dần tách rời việc tiêu thụ tài nguyên hữu hạn như hiện tại với sự tăng trưởng. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao áp dụng nền kinh tế tuần hoàn lại là một sự đầu tư tốt cho tương lai bằng cách xem xét những lợi ích của nó từ góc nhìn môi trường, xã hội và kinh tế.
LỢI ÍCH MÔI TRƯỜNG
- Giảm lượng phát thải khí CO2
Nền kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp không thể thiếu để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Nền kinh tế này đề xuất một chiến lược không chỉ sử dụng năng lượng tái tạo mà còn thay đổi cách mọi thứ được sản xuất và sử dụng. Nó có tiềm năng cắt giảm lượng khí thải CO2 trên thế giới từ sản xuất xi măng, thép, nhựa và nhôm xuống 40%, tương đương 3,7 tỷ tấn, vào năm 2050, hoàn thành hơn một nửa mục tiêu không phát thải ròng đến thời điểm đó.
- Giảm tiêu thụ nguyên liệu chính
Đến năm 2030, nền kinh tế tuần hoàn có thể giảm mức tiêu thụ nguyên liệu chính 32% (tức là động cơ và vật liệu xây dựng, đất bất động sản, phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, tài nguyên nông nghiệp, nhiên liệu và điện không tái tạo). Điều này giúp hạn chế tình trạng cạn kiệt tài nguyên, phát thải và ô nhiễm nghiêm trọng do các mô hình sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế tuyến tính hiện có của chúng ta gây ra.
- Cải thiện năng suất và chất lượng đất
Nền kinh tế tuần hoàn, trái ngược với nền kinh tế tuyến tính, có thể làm tăng năng suất đất, giảm lãng phí trong chuỗi giá trị thực phẩm và trả lại chất dinh dưỡng cho đất, tất cả đều làm tăng giá trị của đất và tài sản của đất. Chằng hạn, các phương pháp canh tác tái sinh có thể cải thiện sức khỏe của đất, giúp nó cung cấp môi trường sống tốt cho các vi sinh vật ở khúc đầu ở chuỗi thức ăn, chẳng hạn như nấm và côn trùng, cũng như các động vật sống dựa vào đất.
LỢI ÍCH XÃ HỘI
- Cải thiện sức khoẻ
Kinh tế tuần hoàn khuyến khích việc sử dụng các vật liệu và quy trình tự nhiên, không độc hại để cải thiện hệ sinh thái, bảo vệ chất lượng nước, không khí, đất và do đó bảo vệ sức khỏe con người. Đến năm 2050, nền kinh tế tuần hoàn xoay quanh lương thực, được các thành phố khuyến khích, dự kiến sẽ cứu được 290.000 mạng người mỗi năm chết do ô nhiễm không khí ngoài trời.
- Tăng tính công bằng xã hội
Công nhân phế liệu ở các nền kinh tế đang phát triển bị ảnh hưởng một cách bất công bởi vấn nạn liên quan đến rác thải và ô nhiễm. Một nền kinh tế tuần hoàn sử dụng các kỹ thuật quản lý chất thải và phương pháp tái chế hiệu quả, và luôn bao hàm công nhân phế liệu vào quy trình, có thể giúp tạo ra việc làm tại các nước kém phát triển. Về khía cạnh giới, bằng cách giải quyết vấn đề rác thải và ô nhiễm, nền kinh tế tuần hoàn cũng có thể giúp giảm bớt bất bình đẳng giới do các yếu tố này gây ra trong nền kinh tế tuyến tính. Chẳng hạn, phụ nữ có nguy cơ nhiễm độc liên quan đến nhựa cao hơn vì họ tiếp xúc với nhiều nhựa hơn và ngay cả trong các sản phẩm chăm sóc phụ nữ.

- Tiềm năng việc làm
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những thay đổi trong sản xuất năng lượng, chẳng hạn như tạo ra năng lượng tái tạo, tăng hiệu suất, sử dụng ô tô điện và cải thiện hiệu suất tòa nhà, có thể dẫn đến sự gia tăng 18 triệu việc làm trên toàn thế giới. Tác động tích cực của nền kinh tế tuần hoàn với vấn đề việc làm có thể lý giải do việc gia tăng chi tiêu do giá cả giảm; hoạt động tái chế chất lượng cao, sử dụng nhiều lao động; và các nghề đòi hỏi kỹ năng cao hơn trong hoạt động tái sản xuất. Từ khía cạnh xã hội, các cá nhân trong cộng đồng được tạo cơ hội làm việc có thể góp phần vào quá trình xóa đói giảm nghèo trên thế giới.
LỢI ÍCH KINH TẾ
- Phát triển kinh tế
Nền kinh tế tuần hoàn có khả năng giảm phát thải thông qua việc thiết kế sản phẩm cẩn thận và sử dụng quy trình công nghiệp nơi nguồn tài nguyên được luân chuyển liên tục trong một “hệ thống khép kín”. Thông qua việc sử dụng đầu vào hiệu quả hơn, các hoạt động tuần hoàn sẽ giúp tăng lợi nhuận và cắt giảm chi phí sản xuất. Những thay đổi đầu vào và đầu ra của các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động đến cung, cầu và giá cả trên toàn nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn diện.

- Tiết kiệm chi phí nguyên liệu
Nền kinh tế tuần hoàn có thể tiết kiệm tới 630 tỷ USD mỗi năm chỉ riêng ở Liên minh châu Âu trong các lĩnh vực sản phẩm phức hợp có tuổi thọ trung bình, bao gồm các thiết bị như điện thoại di động, máy giặt và ô tô. Hơn nữa, phân tích cho thấy nền kinh tế có cơ hội cắt giảm chi phí thêm 700 tỷ đô la Mỹ cho ngành kinh doanh hàng tiêu dùng trên quy mô toàn cầu.
- Thúc đẩy sự đổi mới
Việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn tạo cho doanh nghiệp mong muốn thay thế các sản phẩm và quy trình tuyến tính, qua đó thúc đẩy tiềm năng sáng tạo to lớn. Sử dụng những phương pháp bền vững hơn có thể tốn kém hơn, nhưng nó có thể thúc đẩy sự đổi mới và cải thiện danh tiếng doanh nghiệp. Tỷ lệ tiến bộ kỹ thuật cao hơn, vật liệu cao cấp hơn, lao động và hiệu quả năng lượng cao hơn và triển vọng lợi nhuận lớn hơn cho các công ty đều là những lợi thế của một nền kinh tế đổi mới.
Để tìm hiểu thêm thông tin được đề cập trong bài viết, vui lòng tham khảo: Ellen Macarthur Foundation: The circular economy in detail
Ở bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu cách các doanh nghiệp xã hội địa phương áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả các doanh nghiệp của chúng tôi, giúp bạn hình dung rõ hơn về cách kinh tế tuần hoàn được vận hành trên thực tế.