Ô nhiễm rác nhựa và ‘bất công môi trường’ – Doanh nghiệp xã hội có thể làm gì?
Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xã hội, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công lý môi trường. Là đối tượng sản xuất và tiêu thụ nhựa, đồng thời cũng tạo ra giá trị xã hội, các doanh nghiệp xã hội chính là đầu tàu trong việc chuyển đổi cách tiêu dùng nhựa mà vẫn đảm bảo quyền con người. Có một thực tế rằng những cộng đồng vốn dễ bị tổn thương lại đang hứng chịu những gánh nặng không tương xứng từ sự suy thoái môi trường do cuộc khủng hoảng rác thải nhựa gây ra. Chính vì vậy, hành động kịp thời của các doanh nghiệp xã hội là vô cùng cấp thiết.
Ô nhiễm rác nhựa đẩy mạnh sự bất công như thế nào?
Nhìn chung, công lý môi trường (environmental justice) là sự cân nhắc về mọi mặt của sự bất công tồn tại trên toàn thế giới trong những vấn đề về môi trường và xã hội lẫn những hệ thống cấu thành sự bất công đó. Từ đó, những giải pháp sẽ được thúc đẩy và lan tỏa nhằm hướng đến một lợi ích chung giữa hành tinh và cả con người đang chung sống trên hành tinh.
Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức phi chính phủ Công lý Môi trường (Azul), ô nhiễm rác nhựa đang tác động một cách không cân xứng lên những nhóm và cộng đồng dễ bị tổn thương sinh sống gần các nơi sản xuất nhựa và bãi chứa rác nhựa, dẫn đến sự bất công lớn. Ô nhiễm nhựa không chỉ đe doạ lên sinh kế của những cá nhân sống phụ thuộc vào tài nguyên biển mà còn gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe cho những ai tiêu thụ hải sản có chứa vi nhựa và nhựa nano độc hại. Phụ nữ lại có nguy cơ nhiễm độc liên quan đến nhựa cao hơn vì họ tiếp xúc với nhựa nhiều hơn, đặc biệt là trong các sản phẩm chăm sóc phụ nữ. Không những thế, phụ nữ còn đối diện với nguy cơ cao bị sẩy thai và ung thư, do sự khác biệt về giới, vai trò xã hội và quyền lực chính trị trong việc điều chỉnh cách sử dụng đồ nhựa cũng như các tiêu chuẩn về sức khỏe. Điều này rõ càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội. Đại dịch COVID-19 rõ ràng đã đẩy thảm họa rác thải nhựa toàn cầu lên mức báo động. Từ góc nhìn toàn cầu, bên cạnh hai vấn nạn khác về môi trường là mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. đây được xem là “tình trạng khẩn cấp gấp ba” (triple emergency).
Từ góc nhìn của Việt Nam, từ khi Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu rác vào năm 2018, nhiều nước Đông Nam Á, đáng kể đến là Việt Nam, trở thành bãi chứa rác thải ô nhiễm và bất hợp phát mà đáng lý ra trước đây do Trung Quốc quản lý. Đặc biệt, hậu quả của lệnh cấm nhập khẩu nhựa của Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến khối lao động phi chính thức. Trong khi những người thu gom rác phi chính thức là những anh hùng tiền tuyến trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, họ lại thường thuộc về các cộng đồng dễ bị tổn thương, nhóm nằm cuối cùng của bậc thang kinh tế xã hội và không được tiếp cận với các nhu cầu cơ bản như nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, theo một báo cáo liên quan đến việc hỗ trợ nhóm thu gom rác thải phi chính thức ở khu vực Đông Nam Á. Họ thường là thành viên của một “nhóm kín” – một dân tộc, tôn giáo hoặc cộng đồng cụ thể khác có công việc bị coi là đáng xấu hổ. Một nghiên cứu chuyên sâu khác do Evergreen Labs và UNDP Accelerator Lab thực hiện chỉ ra rằng, trong khi nhóm thu gom rác thải phi chính thức đóng góp rất lớn vào mục tiêu chung của Đà Nẵng là đạt tỷ lệ tái chế chất thải 15% vào năm 2025, nhưng sự đóng góp này không phải lúc nào cũng được ghi nhận trong các chính sách hiện hành.
Chính vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và cải thiện quản lý chất thải, các doanh nghiệp xã hội có thể áp dụng một số cách thực hành sau để nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp và góp phần giải quyết các vấn đề bất công về môi trường nêu trên.
#1 Cải thiện đời sống và sinh kế của nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất
Các cộng đồng và các bên liên quan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động môi trường có thể kiếm thu nhập bằng cách tham gia vào các công việc liên quan đến môi trường, chẳng hạn như các công việc vận hành theo mô hình tuần hoàn. Chẳng hạn, những lao động thu gom rác có thể kiếm được một khoản thu nhập khá từ việc thu gom bất kỳ loại rác nào cho ReForm Plastic – một doanh nghiệp xã hội của Evergreen Lab chuyên biến các mảnh vụn từ rác nhựa thành các sản phẩm mới có giá trị thương mại. Trong số các loại rác đó có rác nhựa trước đây không được thu gom và bị thải ra môi trường do có giá trị thấp. ReForm Plastic cũng cung cấp cho những cá nhân lao động phi chính thức này những công việc an toàn, ổn định và đảm bảo các quyền lợi như bảo hiểm xã hội và y tế. Những cơ hội như vậy giúp những người lao động phi chính thức trước đây thường bị đánh giá thấp sẽ cảm nhận rõ hơn về giá trị công việc của họ trong cộng đồng, cũng như nâng cao kỹ năng, sự tự tin và kinh nghiệm làm việc của họ.
#2 Tăng cường giáo dục và lan tỏa nhận thức
Giải quyết các vấn đề môi trường là chưa đủ; các doanh nghiệp xã hội cũng phải chia sẻ trách nhiệm lan toả kiến thức và nâng cao nhận thức để ngày càng có nhiều cá nhân áp dụng cách nhìn dựa trên công lý môi trường và từ đó ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Tại Evergreen Labs, chúng tôi đặt sự đồng hành trong học tập và chia sẻ kiến thức làm trọng tâm trong các hoạt động của mình. Chúng tôi đặt tâm huyết của mình vào việc chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như các thách thức xã hội và môi trường và truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân tiếp theo ở Việt Nam. Đến nay, chúng tôi đã cố vấn cho hơn 25 nhóm khởi nghiệp, đầu tư vào 16 công ty khởi nghiệp, tham gia hoặc đồng tổ chức 12 sự kiện liên quan đến khởi nghiệp và khởi nghiệp và hỗ trợ thành công 7 tổ chức từ thiện.
#3 Hợp tác để đẩy mạnh tầm ảnh hưởng
Để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, một hệ sinh thái kinh doanh xã hội cần được xây dựng, và sự hợp tác cần được thúc đẩy. Là một liên doanh trong lĩnh vực xã hội, chúng tôi làm việc với nhiều đối tác để giúp họ áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và tuần hoàn nhằm đạt được điểm cân bằng giữa môi trường, con người và kinh tế. Một doanh nghiệp xã hội khác của chúng tôi – Glassia cung cấp sản phẩm nước đóng chai thủy tinh được sản xuất phi tập trung, có thể tái sử dụng với giá cả phải chăng để thay thế cho chai nhựa PET sử dụng một lần, được sản xuất tập trung hoặc chai thủy tinh dùng một lần được nhập khẩu vô cùng tốn kém. Glassia hiện đang tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp địa phương khác để không chỉ giảm bớt gánh nặng rác thải nhựa mà còn cải thiện nền kinh tế địa phương và thiết lập một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp có trách nhiệm sẵn sàng đấu tranh vì bất công do vấn nạn môi trường tại địa phương. Không những vậy, ReForm Plastic cũng đang tiếp tục mở rộng phạm vi ngoài Việt Nam, với hai nhà máy hoạt động tại Myanmar từ năm 2020 và các nhà máy đối tác đang trong quá trình lên kế hoạch để vận hành tại Malaysia, Philippines, Bangladesh, Indonesia và Mozambique.
Trong Hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia phải cam kết mạnh mẽ về việc giảm phát thải khí nhà kính và vẫn đảm bảo công bằng và công lý trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của mình. “Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau,” Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Lời kêu gọi này có thể xem như là một động lực thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội cùng chung tay trong cuộc chiến đấu tranh cho công lý môi trường không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.