Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 51 năm Ngày Trái Đất đầu tiên vào ngày 22/4/1970, thường được biết đến như là sự ra đời của phong trào môi trường hiện đại. Tuy nhiên, không nhiều người biết đến những gì đã xảy ra vào mùa xuân năm 1970, tại sao sự kiện ấy lại quan trọng đến thế và nó đã biến đổi hành động của chúng ta đối với các vấn đề môi trường đến mức nào.
Ngày Trái Đất 1970 được thúc đẩy bởi nhiều sự kiện ở Hoa Kỳ những năm 1960, bao gồm việc xuất bản cuốn Mùa xuân im lặng của tác giả Rachel Carson về thuốc trừ sâu vào năm 1962, sự cố tràn dầu ở Santa Barbara và vụ cháy sông Cuyahoga vào năm 1969. Để phản ứng lại những sự kiện này, vào tháng 9/1969, Thượng nghị sĩ bang Wisconsin Gaylord Nelson công bố ý tưởng về “Ngày giảng dạy về môi trường quốc gia” trong khuôn viên các trường đại học vào ngày 22/4/1970 – một ngày thứ Tư cách mùa đông và dịp thi học kỳ đủ xa để huy động số lượng sinh viên lớn nhất. Nelson sau đó đã tuyển dụng một nhóm sinh viên làm người tổ chức cho sáng kiến này, trong đó người lớn tuổi nhất là Denis Hayes, 25 tuổi. Ngày này về sau được đổi tên thành Ngày Trái Đất và chuyển thành một phong trào quốc gia không chỉ trong hoạt động giảng dạy mà còn cả các buổi thảo luận, cuộc biểu tình, hoạt động dọn dẹp và buổi biểu diễn. Hơn 2.000 trường cao đẳng, hàng nghìn trường tiểu học và trung học, và cộng đồng đã tham gia sự kiện này, với số lượng lên đến hơn 20 triệu người thuộc các thành phần kinh tế – xã hội và chính trị khác nhau. Bất chấp tên gọi của nó, Ngày Trái Đất năm 1970 không kết thúc trong vòng một ngày, vì sự kiện ở một số nơi còn kéo dài hàng tuần sau đó. Thậm chí nhà sử học Adam Rome còn cho rằng sẽ chính xác hơn nếu đặt tên sự kiện là “Earth Spring” (“Mùa Xuân Trái Đất”).
20 năm sau Ngày Trái đất đầu tiên, vào ngày 22/4/1990, Denis Hayes đã huy động được khoảng 200 triệu người tại 141 quốc gia và chính thức đưa sự kiện này ra toàn thế giới. Kể từ đó, Ngày Trái Đất được tổ chức trên toàn cầu, mỗi năm với các chủ đề khác nhau và một loạt các hoạt động trực tiếp và trực tuyến – một cơ hội để các nhà hoạt động thể hiện sự ủng hộ của họ cho một môi trường tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Ngày Trái Đất đã ghi dấu nhiều thắng lợi cho các nhà hoạt động không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới. Trong vài năm đầu tiên sau Ngày Trái Đất 1970, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự thành lập của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, sự ban hành các điều luật quan trọng trong nhiều vấn đề môi trường khác nhau, và theo đó là những thay đổi cơ bản trong sự vận hành của các ngành công nghiệp tại Hoa Kỳ. Ngày Trái Đất 1990, cũng là Ngày Trái Đất toàn cầu đầu tiên, đã thúc đẩy các nỗ lực tái chế trên toàn thế giới và thu hút sự chú ý của công chúng đối với vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng sạch. Vào Ngày Trái Đất năm 2016, Thỏa thuận Paris, một hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu được 191 quốc gia thành viên thông qua, đã được ký kết.
Tuy vậy, tầm quan trọng của Ngày Trái Đất đã vượt qua và sẽ vượt qua bất kỳ cột mốc quan trọng nào đã nói ở trên. Mỗi Ngày Trái Đất là một cơ hội cho chúng ta giáo dục và được giáo dục về Trái đất, những vấn đề đương đại ảnh hưởng đến hành tinh của chúng ta, và những hệ lụy to lớn bắt nguồn từ những vấn đề đó. Nó cũng cho chúng ta cơ hội thể hiện mối quan tâm chung về các vấn đề môi trường và yêu cầu hành động nhanh chóng và đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi chính sách môi trường lớn trên thế giới.
Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang rình rập tất cả chúng ta, Ngày Trái Đất sẽ vẫn được thực hiện theo định dạng trực tuyến như năm 2020, với một chương trình kéo dài ba ngày từ 20-22/4 bao gồm các hội nghị thượng đỉnh về giáo dục và thanh niên, các cuộc thảo luận và biểu diễn, trong số nhiều hoạt động khác. Các chương trình trọng tâm của Ngày Trái Đất năm 2021 là:
- Dự án Canopy: một chương trình trồng rừng toàn cầu tại những khu vực có nguy cơ biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường cao nhất;
- Thực phẩm cho tương lai: một chiến dịch về giảm lượng thực phẩm tiêu thụ và tuân theo các chế độ ăn uống có ý thức về khí hậu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu;
- Giáo dục về Khí hậu và Môi trường: kêu gọi giáo dục bắt buộc về khí hậu và môi trường trong trường học;
- Chương trình dọn dẹp toàn cầu: chương trình vận động cư dân khắp nơi nhặt rác tại địa phương của họ; và
- Thử thách Trái đất: một dự án thu hút hàng triệu người tham gia thu thập dữ liệu cho các dự án khoa học, chẳng hạn như quần thể côn trùng, chất lượng không khí, chất dẻo và an ninh lương thực.
Nếu bạn muốn tham gia Ngày Trái Đất năm nay, hãy cân nhắc đăng ký tham gia các sự kiện trồng cây và dọn dẹp tại địa phương (thông tin tại đây) hoặc trên các phương tiện truyền thông. Bạn cũng có thể thử cắt giảm lượng thức ăn của mình bằng cách ăn các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật và dùng công thức nấu ăn có trách nhiệm về môi trường. Các sáng kiến không chất thải cũng cần được khuyến khích – bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm hiểu về các loại nhựa khác nhau và giải pháp tương ứng thông qua bài viết trước đây của chúng tôi (đây). Hơn nữa, theo tinh thần của Earth Spring 1970, cần phải hiểu rằng những hành động của bạn trong một Ngày Trái đất, dù được đánh giá cao, nhưng sẽ là chưa đủ và hành tinh và môi trường của chúng ta, hơn bao giờ hết, cần những nỗ lực bền vững trong việc bảo vệ môi trường.
Nếu bạn ngần ngại tham gia Ngày Trái Đất vì sợ rằng hành động của mình sẽ không tạo nhiều ảnh hưởng, hãy nhớ rằng Ngày Trái Đất đầu tiên cũng có một khởi đầu rất khiêm tốn. Nó được bắt đầu bởi một chính trị gia tiến bộ và được tổ chức bởi một nhóm sinh viên đại học, nhưng cuối cùng đã phát triển thành một phong trào toàn cầu thu hút hàng triệu người và đạt được những thắng lợi đáng kể cho môi trường trên toàn thế giới.
Nếu bạn muốn được làm điều gì đó để kỷ niệm Ngày Trái Đất thông qua các hành động cụ thể và có kết quả, hãy liên hệ với Evergreen Labs ngay hôm nay!