Hiểu rõ rác thải sau tiêu thụ sẽ đi về đâu là cách thức để trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm; tuy nhiên, một cách tốt hơn là cân nhắc liệu có nên sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày hay không. Trong bài viết trước, tôi đã nhấn mạnh vào chuỗi giá trị rác thải nhựa từ “hạ nguồn“, bao gồm quy trình tái chế rác nhựa. Tuy nhiên, cách tốt nhất để không tạo ra rác thải là không tiêu thụ sản phẩm có thành phần nhựa – nhưng điều này nói dễ hơn làm.
Thế “tiến thoái lưỡng nan” với nhựa
Việc tìm vật liệu thay thế nhựa luôn là ưu tiên của các tổ chức, quỹ, và cố vấn trong lĩnh vực rác thải. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, bởi nhựa đã đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người, hơn những gì mà ta có thể tưởng tượng. Từ hậu cần tới vận chuyển, từ tiêu thụ thực phẩm tới sức khỏe, nhựa đang cải thiện cuộc sống của con người. Nhựa cũng đảm bảo vệ sinh và tiệt trùng cho con người, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 với những thiết bị và dụng cụ y tế quan trọng để đối phó với dịch bệnh. Hơn nữa, nhựa cũng giúp con người dự trữ thực phẩm lâu hơn, bảo quản hàng hóa khi vận chuyển, và hỗ trợ toàn cầu hóa. Dĩ nhiên, con người phải trả giá cho tất cả điều này bằng môi trường sống của mình.
Đổi mới “thượng nguồn”
Tìm kiếm vật liệu thay thế nhựa, hoặc những giải pháp đổi mới “thượng nguồn” (hay đổi mới cốt lõi, đổi mới từ nguồn gốc) sẽ là chìa khóa dẫn tới thành công trong quản lý rác thải nhựa. Các giải pháp “thượng nguồn” và “hạ nguồn” đều phải được áp dụng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa một cách bền vững. Các giải pháp từ nguồn gốc bao gồm ba chiến lược chính, được mô tả chi tiết bởi tổ chức Ellen MacArthur Foundation:
- Loại bỏ: Loại bỏ bao gồm loại bỏ bao bì hoặc một phần của bao bì, hay sử dụng bao bì có thể ăn được và phân hủy được. Có hai hình thức loại bỏ: loại bỏ trực tiếp những thành phần bao bì không thiết yếu và loại bỏ sáng tạo đối với thành phần bao bì thiết yếu.
- Tái sử dụng: Tái sử dụng bao bì có thể sử dụng được nhiều lần, với điều kiện bao bì còn nguyên vẹn và được làm sạch. Có bốn mô hình tái sử dụng từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C): đong đầy tại nhà, đong đầy khi đang di chuyển, hoàn trả tại nhà, và hoàn trả khi đang di chuyển. Các mô hình từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) trong lĩnh vực này cũng tồn tại dưới nhiều hình thức và phạm vi.
- Tuần hoàn vật liệu: Tính tuần hoàn của vật liệu bao gồm lựa chọn bao bì có thể tái chế hoặc có thể tự phân hủy hữu cơ, và/hoặc thay thế bao bì nhựa sẵn có thành bao bì có thể tái chế hoặc tự phân hủy hữu cơ.
Các nghiên cứu trường hợp điển hình về giải pháp từ nguồn gốc tại Việt Nam
May mắn thay, khi người Việt đang dần quan tâm nhiều hơn tới môi trường trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng một hay nhiều giải pháp từ nguồn gốc trong sản phẩm, dịch vụ, và hoạt động của họ. Chúng tôi sẽ làm rõ ba trường hợp điển hình dưới đây, mỗi trường hợp tương ứng với từng chiến lược cốt lõi được trình bày ở trên.
Loại bỏ màng co nắp chai trên chai nước
Những trường hợp điển hình cho giải pháp loại bỏ trực tiếp có thể được tìm thấy ở hai tập đoàn lớn: Nestlé và Coca-Cola. Vào tháng 5/2018, La Vie Việt Nam, một thành viên của Nestlé Waters, tuyên bố loại bỏ màng co nắp chai trên chai nước 350ml của họ – bước tiến đầu tiên trong chương trình bảo vệ môi trường dài hạn của công ty này. Hơn một năm sau, La Vie Việt Nam đã loại bỏ hoàn toàn màng co nắp chai trên các sản phẩm nước khoáng của họ. Cùng tháng đó, Coca-Cola Việt Nam cũng tiếp bước Nestlé bằng cách loại bỏ hoàn toàn màng co nắp chai trên sản phẩm nước đóng chai Dasani. Cả hai công ty tuyên bố việc loại bỏ màng co nắp chai sẽ làm giảm lược rác thải nhựa và không gây ảnh hưởng tới chất lượng nước. Mặc dù hành động này vẫn chưa đủ để hoàn toàn giảm thiểu rác thải nhựa, nó vẫn là bước khởi đầu đúng đắn.
Hoàn trả chai nước khi đang di chuyển cùng Glassia
Đi vào hoạt động từ tháng 3/2021, Glassia, doanh nghiệp xã hội mới nhất của Evergreen Labs, cung cấp nước tinh khiết trong chai thủy tinh có thể tái sử dụng và đong đầy được nhiều lần. Chai thủy tinh được sử dụng tuần hoàn trong mô hình của Glassia, tức là chai thủy tinh còn nguyên vẹn có thể được hoàn trả và tái sử dụng từ 30 đến 50 lần trước khi được tái chế, với chi phí tương tự như chai nhựa. Glassia cũng hoàn toàn thay thế bao bì nhựa dùng một lần với vật liệu có thể tái chế được – đây là giải pháp tuần hoàn vật liệu, đồng thời giảm thiểu khí CO₂ thải ra từ vận chuyển nhờ mô hình sản xuất phi tập trung. Trong bối cảnh hơn một triệu chai nước được tiêu thụ mỗi phút trên toàn thế giới, những giải pháp địa phương như Glassia sẽ biến đổi hoàn toàn cách thức tiêu thụ nước đóng chai của chúng ta.
Sự trỗi dậy của bao bì thân thiện với môi trường
Năm 2019, Việt Nam đã chứng kiến xu hướng sử dụng bao bì và sản phẩm thân thiện với môi trường, thay vì bao bì và sản phẩm nhựa truyền thống. Ví dụ, lá chuối đã thay thế bao bì nhựa để bọc rau củ, bắt đầu từ những cửa hàng nhỏ quan tâm tới môi trường và mở rộng ra nhiều siêu thị trên cả nước. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đã chuyển sang sử dụng bao bì có thể tái chế hoặc có thể tự phân hủy hữu cơ, ví dụ như hộp đựng bằng bã mía, nắp cốc giấy, và túi nhựa có thể phân hủy được. Xu hướng này cũng khiến các công ty sản xuất nhựa phải đầu tư nghiên cứu và phát triển bao bì có thể tái chế hoặc có thể tự phân hủy hữu cơ, ví dụ như túi sinh học chất lượng cao và dụng cụ nhà bếp có thể phân hủy được do Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh phát triển. Tuy nhiên, khả năng phân hủy hữu cơ của các sản phẩm này vẫn cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những giải pháp từ nguồn gốc và áp dụng những giải pháp này vào doanh nghiệp của mình, hãy liên hệ với đội ngũ của Evergreen Labs ngay hôm nay!