Khả năng phục hồi sau COVID-19: ba bài học cho doanh nghiệp
COVID-19, mặc dù là khủng hoảng toàn cầu tàn phá nhiều nền kinh tế, đã tạo ra một số thay đổi tích cực đối với các doanh nghiệp trên thế giới, đồng thời đưa ra những bài học để các doanh nghiệp có thể đóng góp cho một tương lai mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Trong bài viết này, Evergreen Labs (EGL) sẽ phân tích ba bài học cho doanh nghiệp hậu COVID-19 và các ví dụ thực tiễn về ba bài học này tại Việt Nam.
Bài học số 1: Địa phương hóa
Không thể phủ nhận rằng COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức đối với chuỗi cung ứng và việc làm trên toàn cầu. Chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển đã cản trở quá trình vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa giữa các cá nhân và tổ chức trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này dẫn đến thiệt hại kinh tế nặng nề cho bên cung ứng và sản xuất, đi kèm thiếu hụt trong nguồn cung đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, những hạn chế này đã gây gián đoạn hoạt động tuyển dụng có yếu tố nước ngoài, giảm thiểu khả năng di chuyển của nhân viên nước ngoài, và nhìn chung tác động tiêu cực tới quản trị nhân lực.
Tuy nhiên, những thách thức này cũng đã khuyến khích doanh nghiệp thay đổi chính sách cung ứng hiện tại, xác định lại khách hàng mục tiêu, điều chỉnh chiến lược tuyển dụng, và chuyển hướng tiếp cận tới các nhà cung cấp, người tiêu dùng và ứng viên địa phương. Những chiến lược đó không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do COVID-19 gây ra mà còn tạo ra tác động tích cực đến môi trường và xã hội, ví dụ như giảm thiểu rác thải, giảm thiểu dấu chân carbon từ hoạt động vận chuyển hàng hóa đường dài, và đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch.
Các doanh nghiệp xã hội của EGL, Glassia và ReForm Plastic, là hai ví dụ cụ thể về cách thức các doanh nghiệp Việt Nam đối phó với COVID-19 bằng chính sách địa phương hóa. EGL nói chung và ReForm Plastic nói riêng luôn ưu tiên tuyển dụng tại địa phương; ngay cả trước đại dịch, ReForm Plastic cũng đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên hùng hậu, tất cả đều là người Việt Nam. Nhờ cách tiếp cận này, EGL đã phục hồi tốt hơn trong bối cảnh COVID-19, và nhiều khả năng cũng sẽ phục hồi nhanh chóng sau những khủng hoảng tương tự trong tương lai. Với Glassia, doanh nghiệp này cam kết chỉ giao nước uống đóng chai thủy tinh cho khách hàng ở gần cơ sở đóng chai tại Đà Nẵng. Cam kết trên không chỉ giúp Glassia tạo ra tác động tích cực tới môi trường, mà còn tăng doanh số bán hàng ngay cả trong giai đoạn phong tỏa và giãn cách xã hội tại khu vực.
Bài học số 2: Đa dạng hóa
Mặc dù COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế, một số ngành kinh tế vẫn phải chịu hậu quả nặng nề hơn các ngành khác và gần như đóng băng hoạt động, ví dụ như du lịch hay khách sạn. Bên cạnh đó, nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm dùng để đối phó với COVID-19, bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân và các sản phẩm diệt khuẩn, lại gặp phải nguồn cung hạn chế. Trước những vấn đề này, việc đa dạng hóa (sản phẩm, phân khúc khách hàng, kênh bán hàng, v.v.) là cách thích ứng với COVID-19 được khuyến nghị cho các doanh nghiệp. Cách tiếp cận này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì nguồn vốn, giảm thiểu tổn thất, và tồn tại qua đại dịch. Về lâu dài, việc đa dạng hóa cũng giúp xác định hướng phát triển mới cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau những khủng hoảng trong tương lai.
Ví dụ, về đa dạng hóa sản phẩm, một số công ty du lịch và công ty nội thất đã chuyển sang phân phối các mặt hàng thực phẩm, đồ uồng, và các sản phẩm nông nghiệp để tăng doanh thu. Ngoài ra, một vài công ty sản xuất hóa chất địa phương cũng tham gia sản xuất sản phẩm khử trùng để đối phó với COVID-19, mà trước đây những sản phẩm này đều phải nhập khẩu. Liên quan đến đa dạng hóa khách hàng, mặc dù mất đến 90% khách hàng doanh nghiệp do phong tỏa và hạn chế mùa dịch, HealthyFarm, doanh nghiệp xã hội do EGL điều hành, vẫn duy trì hoạt động kinh doanh nhờ các kênh bán lẻ hướng tới khách hàng cá nhân. Cuối cùng, khi người tiêu dùng hiện đang quan tâm hơn đến sự an toàn và tiện lợi trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp đã đa dạng hóa các kênh bán hàng bằng cách đầu tư vào các trang mua sắm trực tuyến, dịch vụ đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng, cũng như các cửa hàng tiện lợi tại địa phương, bên cạnh giao dịch trực tiếp theo phương thức truyền thống.
Bài học số 3: Tăng cường hợp tác
COVID-19 đã chứng minh rằng không ai có thể thành công một mình, và không ai có thể xử lý khủng hoảng một mình. Là một phần của xã hội, khối doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân liên quan, từ khối nhà nước đến tư nhân, lợi nhuận đến phi lợi nhuận, không chỉ để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này mà còn đóng góp xây dựng tương lai tốt đẹp, bền vững hơn cho cộng đồng.
Một ví dụ điển hình về tăng cường hợp tác trong đại dịch COVID-19 là sự hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE), các công ty thương mại điện tử và các hộ sản xuất quy mô nhỏ để phân phối các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng thương mại số. VIETRADE cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ hộ nông dân tiếp cận thị trường thương mại điện tử và tăng cường hiểu biết về marketing trên nền tảng này, đồng thời kỳ vọng rằng thương mại điện tử sẽ là kênh bán hàng bền vững cho các nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Việc thành lập nhà máy ReForm Plastic tại miền Trung vào năm 2020 cũng là thành công của mối quan hệ hợp tác giữa EGL và các bên liên quan. Trong giai đoạn này, EGL luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập nhà máy đối với nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là những đối tượng chịu rủi ro lớn nhất từ đại dịch. Quan điểm này cũng được EGL thống nhất với các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương và các nhà tài trợ. Cuối cùng, EGL cũng đã vượt qua những phức tạp về mặt thể chế, tổ chức và bối cảnh để xây dựng và thử nghiệm nhà máy, ngay cả trong giai đoạn hạn chế di chuyển do COVID-19.
Tóm lại, ba bài học trên không phải là giải pháp toàn diện, càng không phải giải pháp phù hợp với tất cả các doanh nghiệp để phục hồi sau COVID-19. Chúng cũng không là tấm vé đảm bảo kết quả tích cực về cả ba yếu tố tài chính, xã hội, và môi trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi kết hợp với nhau, những bài học này sẽ là khởi đầu tốt cho các chủ doanh nghiệp hiện tại và các nhà khởi nghiệp để phục hồi tốt hơn, nhanh chóng hơn, và bền vững hơn sau đại dịch.