Hỏi đáp cùng Evergreen Labs (EGL) về doanh nghiệp xã hội
Câu hỏi số 1: Có nhiều thuật ngữ được sử dụng để mô tả các tổ chức khác nhau, ví dụ như doanh nghiệp truyền thống vì lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội, và tổ chức phi lợi nhuận. Điểm khác biệt cơ bản giữa các thuật ngữ này là gì?
Trả lời: Doanh nghiệp truyền thống vì lợi nhuận là bất cứ doanh nghiệp nào có mục đích phát triển, gia tăng lợi nhuận và lợi ích cho chủ sở hữu, và rút lui (chiến lược rút lui là một yếu tố quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật hiện nay). Ngược lại, tổ chức phi lợi nhuận không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Những tổ chức này ưu tiên thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, chủ yếu dựa vào hoạt động gây quỹ để tạo ra dòng tiền đủ cho hoạt động của tổ chức.
So với hai hình thức trên, doanh nghiệp xã hội có lịch sử ngắn hơn, xuất hiện lần đầu từ giữa thế kỉ 19 tại Anh. Đây là loại hình doanh nghiệp hướng tới tác động tích cực cho xã hội và môi trường, đồng thời tạo ra lợi nhuận. Theo chúng tôi, doanh nghiệp xã hội là tổng hòa hoàn hảo giữa doanh nghiệp truyền thống và tổ chức phi lợi nhuận, và nên là tương lai của tất cả các doanh nghiệp trên thế giới.
Câu hỏi số 2: Những ngành nghề, vùng lãnh thổ hay quốc gia nào đang cần sự hiện diện của doanh nghiệp xã hội?
Trả lời: Về những ngành nghề đang chuyển hóa nhờ khối doanh nghiệp xã hội, những năm gần đây, một làn sóng các doanh nghiệp xã hội tại Đông Nam Á đã phát triển nhiều giải pháp trong lĩnh vực quản lý rác thải, quản lý nước sạch, dệt may, v.v. Tuy nhiên, trước những vấn đề xã hội và môi trường nhức nhối, bên cạnh những khủng hoảng với tác động tiêu cực ngày một gia tăng, EGL tin rằng càng nhiều doanh nghiệp xã hội sẽ xuất hiện và ảnh hưởng tới thêm nhiều ngành kinh tế.
Chúng tôi cũng tin rằng nhu cầu cho khối doanh nghiệp xã hội và các giải pháp đổi mới từ những doanh nghiệp này đang và sẽ không bị giới hạn về mặt địa lý. Niềm tin này đến từ chính trải nghiệm của chúng tôi, khi các giải pháp do EGL phát triển đang được áp dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nơi khác trong khu vực. Những giải pháp đó cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà khởi nghiệp tại các châu lục khác. Họ mong muốn áp dụng những giải pháp này cho quốc gia và khu vực nơi họ sinh sống, dĩ nhiên với những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh khu vực.
Câu hỏi số 3: Làm thế nào để bắt đầu một doanh nghiệp xã hội, hoặc biến đổi một doanh nghiệp truyền thống có sẵn thành doanh nghiệp xã hội?
Trả lời: Cách thức bắt đầu một doanh nghiệp xã hội tùy thuộc vào hệ thống pháp lý tại nơi thành lập doanh nghiệp. Ví dụ, tại Việt Nam, doanh nghiệp xã hội phải được đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần, hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn – bước này tương tự như đăng ký một doanh nghiệp thông thường. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp xã hội phải nộp bản ‘Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường’ và sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận sau thuế cho cam kết này.
Cách thức chuyển đổi từ doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp xã hội khác biệt hơn chút ít. Tại Việt Nam, nếu một công ty muốn được pháp luật thừa nhận là “doanh nghiệp xã hội”, công ty đó sẽ phải tuân thủ những điều kiện ở phần trên. Tuy nhiên, một con đường khác để chuyển đổi là dần dần tạo ra những thay đổi nội bộ, để công ty trở nên tương đồng với doanh nghiệp xã hội thông thường mà không cần thay đổi về mặt pháp lý. Những thay đổi này có thể bắt đầu từ chính sách tuyển dụng ứng viên thuộc cộng đồng yếu thế và khó khăn, hay việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, và quản trị công ty. Xét cho cùng, bất kể tên gọi hay hình thức của doanh nghiệp có là gì, điều quan trọng đối với doanh nghiệp xã hội là liệu các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của doanh nghiệp đó có đang giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của thế giới hay không.
Câu hỏi số 4: Khi không có mục tiêu lợi nhuận, làm thế nào để doanh nghiệp xã hội có thể vận hành và phát triển bền vững cũng như thu hút nhân tài?
Trả lời: Theo kinh nghiệm của chúng tôi, doanh nghiệp xã hội phải có nền tảng là những giải pháp và mô hình kinh doanh khả thi để tồn tại và phát triển bền vững. Những giải pháp và mô hình kinh doanh này phải trải qua các bước kiểm nghiệm nghiêm ngặt, bao gồm nghiên cứu khả thi, thử nghiệm, thí điểm, nghiên cứu và phát triển thực địa, trước khi doanh nghiệp xã hội đi vào hoạt động.
Tuyển dụng cho doanh nghiệp xã hội luôn là vấn đề khó khăn – nhưng lời khuyên của EGL là luôn luôn trao đổi rõ mục tiêu, nhiệm vụ, và cam kết của doanh nghiệp. Lời khuyên này đã giúp chúng tôi xây dựng đội ngũ nhân viên nhiệt huyết với mục tiêu của chúng tôi và sẵn sàng cống hiến cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Câu hỏi số 5: EGL có lời khuyên nào dành cho những nhà khởi nghiệp mong muốn thành lập doanh nghiệp xã hội, hay những người đang khao khát đổi mới xã hội không?
Trả lời: Cứ làm thôi! Với những người mong muốn thành lập doanh nghiệp xã hội, công việc đó mới đầu có thể rất khó khăn, nhưng đó là cuộc hành trình xứng đáng. Với những người không có ý định vận hành doanh nghiệp xã hội của riêng mình, hãy nhớ rằng bạn không cần một doanh nghiệp xã hội để phát triển các giải pháp đổi mới. Sự đổi mới cũng không cần phải quá to tát; chúng có thể là từng thay đổi nhỏ bé, tích cực trong hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp để trở nên bền vững và có trách nhiệm hơn. Dù bạn chọn con đường nào, tất cả các bạn đều là tác nhân đổi mới xã hội và đều khiến thế giới này tốt đẹp hơn.