COP26 khép lại – Tiếp theo là điều gì? Điểm quan trọng, bài học và tương lai cho khí hậu của chúng ta
Vậy là Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã kết thúc. Liệu nó mang lại ý nghĩa gì cho môi trường, cho nền kinh tế tuần hoàn và Việt Nam? Hội nghị này được Chủ tịch Hội nghị Alok Sharma gọi là “một thắng lợi mong manh”, hay còn bị chỉ trích bởi nhiều bên, như Financial Times phản ánh là “mong đợi thì nhiều nhưng hy vọng thì ít” và Giám đốc Greenpeace Jennifer Morgan dùng từ “nhu nhược và yếu ớt”. Kết quá đáng buồn cuối cùng của COP26 chính là không thể đạt được mục tiêu đảm bảo một thỏa thuận ràng buộc hướng đến hạn chế tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1.5 độ.
Mặc cho các nhà lãnh đạo và các nhà đàm phán đã tìm thấy một số điểm chung và đạt được một thỏa thuận về khí hậu, thế giới vẫn còn cách mục tiêu cuối cùng rất xa – đó là hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Nhìn chung, một số điều được và mất trong Hội nghị COP26 vừa qua có thể kể tên như sau:
- Mục tiêu về than: Các bên đã kêu gọi một sự tăng tốc rõ ràng trong việc “loại bỏ than cũng như các trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch”. Tuy nhiên, cuộc đàm phán vào phút cuối của Ấn Độ, cùng với sự hậu thuẫn theo sau đó của Trung Quốc đã khiến cam kết “loại bỏ than hoàn toàn” xuống mức “cắt giảm dần” năng lượng than.
- Mục tiêu về khí metan: Hơn 100 quốc gia đã đồng ý cắt giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030; đây là lần đầu tiên metan được công nhận là một loại khí nhà kính có sức hủy diệt.
- Thị trường carbon: Hội nghị COP26 đã đồng ý đàm phán về thị trường carbon toàn cầu, đồng nghĩa với sự thành lập một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Điều này sẽ cho phép một quốc gia đạt quá chỉ tiêu cắt giảm phát thải có thể bán tín chỉ cho một quốc gia khác chưa đạt được chỉ tiêu đó.
- Hỗ trợ các quốc gia chịu nguy cơ cao: Tuy hội nghị này thúc đẩy các nước giàu cung cấp hỗ trợ cho các nước nghèo đang phải đối mặt với thiệt hại do biến đổi khí hậu, nó vẫn không được đưa ra một giải pháp rõ ràng và cũng không thiết lập một cơ chế tài trợ nào. Theo Liên hợp quốc (LHQ), số tiền cam kết vẫn thấp hơn nhiều so với mức 70 tỷ đô la Mỹ hàng năm mà các nước đang phát triển ước tính là cần đến; số tiền này có thể tăng lên 300 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.
Việt Nam đã cam kết gì trong Hội nghị COP26 và những cam kết trong tương lai hướng đến vấn đề biến đổi khí hậu là gì?
Trong Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và kêu gọi sự công bằng và công lý trong các vấn đề về biến đổi khí hậu.
- Sự phụ thuộc vào than: Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng than, nhưng các quan chức chính phủ đã tuyên bố rằng họ sẽ tăng gấp đôi công suất phát điện từ gió và mặt trời đã lắp đặt lên 31-38 gigawatt vào năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu sẽ loại bỏ sản xuất điện bằng nhiên liệu than vào năm 2040.
- Chấm dứt nạn phá rừng: Việt Nam đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
- Giảm phát thải: Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính (GHG) ở mức 9% bằng nguồn lực trong nước và 27% với sự hỗ trợ quốc tế, đây được gọi là mức Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC).
- Nâng cấp cho các vùng dễ bị lũ lụt: Các vùng dễ bị lũ lụt sẽ được ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng như một chiến lược thích ứng với khí hậu.
Tựu lại, có thể thấy một sự thay đổi tổng thể diễn ra tại hội nghị năm nay. Thứ nhất, sự đổi mới được tập trung bàn luận và được xem như một tâm điểm chính. Vì điều này không được thể hiện trong các hội nghị trước, vậy nên đây có thể cho là một động lực hướng tới giải pháp tích cực. Thứ hai, khối tư nhân được xem là đóng một vai chủ chốt, cùng với các tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ để chuyển đổi hướng đến ‘net zero’ (mức phát thải ròng bằng không). Các nhà lãnh đạo ngành tham gia tích cực hơn và cần phải dấn thân sâu vào quá trình chuyển đổi như ở các ngành dịch vụ tài chính, khai thác mỏ và vận tải biển. Cuối cùng, năm nay sự thích ứng với khí hậu trở nên rộng khắp hơn khi mọi người trên khắp thế giới đã và đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu.
Bill Gates đã bàn luận về những sự thay đổi này và khẳng định “Một số người nhìn vào những vấn đề còn cần được giải quyết và thấy rằng một nửa ly vẫn còn rỗng. Tôi không đồng tình với cách nhìn ấy, nhưng tôi sẽ nói điều này với những người đồng tình: Chiếc ly ấy đang được đổ đầy nhanh hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này – nếu thế giới dành nhiều công sức hơn cho việc đổi mới nhằm giảm chi phí để đạt mức 0 phát thải, và giúp đỡ những người nghèo khổ nhất thích ứng với biến đổi khí hậu – thì chúng ta sẽ có thể nhìn lại hội nghị này như một bước ngoặt quan trọng trong việc phòng tránh một thảm họa khí hậu xảy ra.”