Giải mã các thuật ngữ và nhãn sinh thái dễ dàng tìm thấy ở các sản phẩm “xanh”
Khi nhận thức chung về vấn đề môi trường ngày càng tăng, các doanh nghiệp đang đưa ra rất nhiều nhãn dán và tuyên bố liên quan nhằm thu hút những người tiêu dùng theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường. Khi càng nhiều sản phẩm với “nhãn dán sinh thái” xuất hiện, người tiêu dùng có thể gặp phải khó khăn để phân biệt giữa đâu là sản phẩm bị “tẩy xanh” (là khi doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch để thể hiện rằng mình hành động có trách nhiệm với môi trường) hay đâu là sản phẩm thực sự an toàn cho môi trường và chính mình. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn có những lựa chọn khôn ngoan hơn, cho một tương lai xanh hơn và sức khỏe tốt hơn!
Nhãn sinh thái được thiết kế để truyền đạt các chi tiết cơ bản liên quan đến vật liệu có thể tái chế, hợp chất nguy hiểm và nguồn tài nguyên thô của một sản phẩm một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc mua sắm “xanh” dựa vào những nhãn dán này có thể khiến bạn cảm thấy bối rối. Các thuật ngữ “tự nhiên”, “thân thiện với môi trường” và “có thể phân hủy sinh học” thường được sử dụng để mô tả các sản phẩm “xanh”, thế nhưng những thuật ngữ này về cơ bản là không giúp ích nhiều bởi hiện tại chưa có các định nghĩa chính thức cho chúng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cố tình sử dụng những định nghĩa mơ hồ như vậy nhằm tiếp thị sản phẩm của họ có vẻ “thân thiện với môi trường” hơn sự thực. Vì vậy các nhãn sinh thái và định nghĩa được đề cập trong bài viết dưới đây sẽ giúp khách hàng xác định đâu là các sản phẩm ít gây hại cho môi trường và thật sự giúp ích cho việc quản lý rác thải!
Ký hiệu Tái chế

Ký hiệu “ba mũi tên nối nhau” biểu thị rằng một sản phẩm hoặc bao bì có thể được tái chế hoặc chứa vật liệu tái chế. Đây có thể xem là biểu tượng tái chế được công nhận rộng rãi nhất thế giới. Sản phẩm có biểu tượng này để cho chúng ta biết rằng chúng bao gồm các vật liệu tái chế hoặc có khả năng tái chế, nhưng nó không đồng nghĩa rằng sản phẩm chắc chắn có thể được tái chế. Ví dụ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) tuyên bố rằng giấy chỉ có thể được tái chế từ năm đến bảy lần trước khi nó bắt đầu phân hủy. Tương tự, chỉ một số loại nhựa nhất định có thể được tái chế và mỗi lần như vậy, chuỗi polyme sẽ ngắn lại, do đó chất lượng của nó cũng giảm đi. Vậy nên với mỗi quy trình tái chế nhựa, để cải thiện chất lượng và theo kịp các loại nhựa mới phát triển trên thị trường, vật liệu nguyên sinh phải được cho chung vào với nhựa tái chế. Do đó, nếu nói rằng một thứ gì đó có thể tái chế thì có nghĩa rằng nó chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn. Thế nhưng vẫn tồn tại một ngoại lệ là thủy tinh, đây là vật liệu có thể được tái chế mãi mãi mà không bao giờ làm giảm chất lượng hoặc độ tinh khiết của nó.
Ký hiệu các loại nhựa

Hầu hết các loại nhựa đều có biểu tượng “ba mũi tên nối nhau”, bao gồm ba mũi tên tạo nên một hình tam giác với một con số ở giữa. Tuy nhiên, bạn không cần phải ghi nhớ tất cả các con số này cùng với từng khả năng tái chế của chúng, bởi vì tương tự như trên, những con số này chỉ cho biết loại nhựa được sử dụng và không khẳng định được một sản phẩm có thể chắc chắn được tái chế hay không. Có bảy loại nhựa khác nhau, và con số càng cao thì càng khó được tái chế. Nhựa 1, 2 và 5 thường có thể được tái chế, tuy nhiên loại 3, 4, 6 và 7 đôi khi khó thực hiện hơn.
- Polyethylene Terephthalate (PET): Loại nhựa này bao gồm chai nhựa dùng một lần, hộp đựng, chai đựng gia vị, v.v. Nó thường được tái chế thành nhiều thùng chứa, thảm, đồ nội thất, các loại sợi.
- High-Density Polyethylene (PE-HD): Đây là loại nhựa có trọng lượng nhẹ, độ bền cao được sử dụng trong một số túi nhựa bán lẻ, bình sữa, chai dầu gội đầu, chất tẩy rửa và xà phòng, v.v. Nó có thể được tái chế thành ống nước, bút, chất tẩy rửa hoặc chai dầu gội, chai dầu, gạch lát sàn, gỗ, ghế dài, mũ bảo hiểm, bàn ghế ngoài trời, v.v
- Polyvinyl Chloride (PVC): Bạn có thể tìm thấy loại nhựa này trong một số đồ chơi, hộp và màng bọc thực phẩm, vỉ thuốc, cửa sổ, găng tay nhựa, quần áo chống nước. Khả năng tái chế của vật liệu này bị hạn chế,nó có thể được một số nhà sản xuất gỗ nhựa chấp nhận để tái chế thành sàn, tấm ốp, hàng rào, chất kết dính, v.v.
- Low-Density Polyethylene (PE-LD): Loại này bao gồm túi nhựa mỏng được sử dụng cho bánh mì và thực phẩm đông lạnh, một số hộp nhựa và màng bọc thực phẩm, ống kem đánh răng. Loại nhựa này có thể được tái chế, nhưng bạn cần kiểm tra để đảm bảo rằng nó được chấp nhận tại địa phương của mình hay không; nó có thể được biến thành lót thùng rác, thùng ủ phân, v.v.
- Polypropylene (PP): Các sản phẩm phổ biến được làm từ vật liệu này bao gồm ống hút, cốc sữa chua, một số hộp đựng thức ăn, đồ nội thất, hành lý, đồ chơi, chai thuốc, dây thừng. Chúng có thể được tái chế, nhưng hãy kiểm tra để đảm bảo rằng chúng được chấp nhận tại địa phương của bạn; loại nhựa này có thể được biến thành chổi, bàn chải, dây cáp, khay, v.v
- Polystyrene (PS): Loại vật liệu này có thể được tìm thấy trong các hộp và cốc xốp, một số hộp đựng thức ăn mang đi, khay đựng thịt, hộp đựng trứng. Nó hiếm khi được chấp nhận để tái chế, bởi xốp có nhu cầu tái chế thấp; tuy nhiên, nó có thể được biến thành vật liệu cách nhiệt, lỗ thông hơi, hộp đựng trứng, bao bì xốp, hộp đựng thức ăn mang đi, v.v.
- Hỗn hợp: Nhựa với con số này bao gồm các loại nhựa không có trong 6 loại trước đó, bao gồm BPA, polycarbonate, nhựa sinh học như PLA (axit polylactic), nhựa acrylic, sợi thủy tinh. Bạn có thể tìm thấy những vật liệu đó trong chai nước lớn, hộp đựng thức ăn, kính râm, vật liệu chống đạn, bảng hiệu và màn hình, nylon, bình sữa trẻ em, dụng cụ thể thao. Nó thường không thể tái chế được, nhưng nhựa sinh học đôi khi có thể được làm phân trộn; một số có thể được biến thành gỗ nhựa.
Pre and Post Consumer Waste (Rác thải Trước và Sau tiêu dùng)
Một sản phẩm được khẳng định “được làm từ vật liệu tái chế” có thể chứa rác thải trước hoặc sau khi tiêu dùng hoặc thậm chí là sự kết hợp của cả hai. Khi một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế trước tiêu dùng có nghĩa rằng nó được làm ra từ chất thải sản xuất mà chưa bao giờ thực sự đến tay người tiêu dùng. Những thứ được mang đi tái chế bao gồm phế liệu, đồ bỏ đi, đồ trang trí và các vật dụng khác nằm trên sàn nhà máy nhưng được tái sử dụng thay vì vứt bỏ đi. Rác thải sau tiêu dùng, chẳng hạn như lon nhôm và giấy báo bạn cho vào thùng tái chế để thu gom, là rác thải đã được người tiêu dùng sử dụng, thải bỏ và không để ở bãi chôn lấp. Dĩ nhiên các sản phẩm có vật liệu tái chế trước và sau tiêu dùng tốt hơn nhiều so với những sản phẩm có 0% hàm lượng tái chế, nhưng nếu bạn muốn chọn một phương án thân thiện với môi trường hơn, thì sản phẩm với vật liệu tái chế sau tiêu dùng là lựa chọn phù hợp. Nhựa sau tiêu dùng thường được lấy từ các bãi chôn lấp mang sang các cơ sở tái chế, do đó việc tiêu dùng loại hình sản phẩm này góp phần làm giảm lượng chất thải nhựa. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng một khi vật liệu với các mức độ tái chế khác nhau bị trộn lẫn, chúng sẽ càng khó tái chế hơn trong tương lai.
Biodegradable and Compostable (Có thể phân hủy sinh học và Có thể làm phân trộn)
Với nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường, ngày càng có nhiều loại nhựa được bán trên thị trường với tuyên bố là nhựa sinh học (bio-based), có thể phân hủy (degradable), có thể phân hủy sinh học (biodegradable) hoặc có thể làm phân trộn (compostable).Tuy nhiên, các khái niệm này không hề đơn giản. Sau đây là một số định nghĩa mà bạn có thể bắt gặp trên các sản phẩm nhựa sinh học thông thường:
- Bio-based (Nhựa sinh học): Từ này đề cập đến nguồn gốc của sản phẩm, tức là nó được tạo ra bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên có thể tái tạo như ngô, lúa mì, khoai tây, dừa, gỗ, vỏ tôm, v.v. Tuy nhiên, có thể chỉ có một hàm lượng nhỏ nhựa tái chế được bao gồm trong sản phẩm có tên gọi như vậy. Chúng có thể hoặc không thể phân hủy/ phân hủy sinh học. Để đảm bảo rằng nhựa sinh học tốt cho môi trường theo nhiều cách khác ngoài việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, điều quan trọng là phải xem xét toàn bộ vòng đời của chúng.
- Degradable (Có thể phân huỷ): Từ này có nghĩa là nhựa có thể biến thành những hạt vi nhựa và lan ra khắp môi trường. Thật ra định nghĩa này không có tác dụng gì vì tất cả các loại nhựa cuối cùng sẽ bị “phân hủy” thành vi nhựa, và thật ra đây là điều không đáng mong muốn bởi nó khiến động vật hoang dã dễ nhầm lẫn vi nhựa với thức ăn.
- Biodegradable (Có thể phân huỷ sinh học): Từ này đề cập đến vòng đời cuối của sản phẩm và cho biết rằng sản phẩm sẽ có thể phân hủy trong môi trường mà có sự hoạt động của các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, nấm và tảo. Tuy nhiên, sản phẩm với khẳng định này cũng không thể đảm bảo rằng nó có để lại dư lượng có hại cho môi trường hay không. Nó có thể phân hủy thành khí (CO2), nước, cặn và sinh khối và vẫn có thể để lại vi nhựa. Các sản phẩm ‘phân hủy sinh học’ thì chưa chắc là được làm từ các nguồn tài nguyên có nguồn gốc thực vật hoặc tái tạo được. Việc nó phân huỷ trong điều kiện như thế nào và trong bao lâu là điều chúng ta chưa biết được và cần nghiên cứu kỹ khi lựa chọn. Sản phẩm có thể phân hủy sinh học không phải lúc nào cũng có thể làm phân ủ, nhưng mọi thứ có thể làm phân ủ thì đều có khả năng phân hủy sinh học.
- Compostable (Có thể làm phân ủ): Chất liệu này sẽ bị phân hủy trong một khung thời gian nhất định và được chuyển hoá thành các chất liệu không độc hại, giúp làm tăng giá trị cho hệ sinh thái của hành tinh thông qua các chất giàu dinh dưỡng nó sản sinh ra (phân ủ). Các sản phẩm có thể ủ phân có thể được phân loại thành “Có thể ủ phân tại nhà” hoặc “Có thể ủ phân công nghiệp” hoặc cả hai. Các sản phẩm có thể ủ phân công nghiệp cần được đặt trong nhiệt độ cao hơn với các điều kiện vi sinh vật được thiết kế đặc biệt hơn để trở thành phân hữu cơ có thể sử dụng được. Phần lớn các vật liệu có thể ủ phân chỉ phân hủy trong các nhà máy ủ phân công nghiệp, vì vậy hãy đảm bảo rằng khu vực của bạn có cung cấp dịch vụ này; nếu không, bạn sẽ phải ném nó vào thùng rác vì chúng tuyệt đối không thể kết hợp với nhựa thông thường để được tái chế. Sản phẩm có thể ủ phân tại nhà thật ra là một phương pháp thay thế tốt hơn; quá trình ủ phân tạo ra một loại đất giàu dinh dưỡng, tương tự như kết quả của sự phân hủy chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, mẩu cỏ, lá và túi trà. Sản phẩm có thể ủ phân thường phân huỷ trong khoảng thời gian vài tháng trong thùng ủ phân tại nhà.
Các Chứng nhận Tái chế
Dựa trên thông tin cung cấp ở trên, người tiêu dùng nên biết rằng các nhà sản xuất có thể dán nhãn sản phẩm với bất kỳ tuyên bố nào mà họ muốn, chẳng hạn như “tự nhiên”, “dựa trên sinh học”, “dựa trên thực vật”, “có thể phân hủy sinh học” và “có thể ủ phân”. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp khác vì việc hiểu sai khả năng phân huỷ và tái chế của sản phẩm có thể làm ô nhiễm dòng tái chế thông thường. Một số doanh nghiệp có trách nhiệm vì vậy sẽ theo đuổi các chứng nhận từ bên thứ ba như “Seedling” hoặc BPI, v.v. Dưới đây là 4 nhãn sinh thái phổ biến liên quan đến quản lý chất thải và tái chế mà bạn có thể tìm thấy trên các sản phẩm thay thế nhựa thông thường:
BPI (Biodegradable Products Institute)
BPI cung cấp chứng nhận của bên thứ ba cho các nhà sản xuất sản phẩm và bao bì cũng như chủ sở hữu thương hiệu với tư cách là tổ chức hàng đầu về chứng nhận nhựa có thể phân hủy sinh học ở Bắc Mỹ. Logo “BPI Compostable” cho biết rằng một gói hoặc sản phẩm đã trải qua thử nghiệm và xác minh độc lập theo tiêu chuẩn ASTM D6400.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể thải bỏ một sản phẩm được chứng nhận BPI trong thùng phân ủ gia đình của bạn trừ khi được chỉ định cụ thể. Những sản phẩm này phải được chuyển đến một cơ sở ủ phân công nghiệp, cơ sở này trước tiên sẽ làm giảm kích thước của nhựa sinh học trước khi tạo ra nhiệt độ cao và duy trì các điều kiện lý tưởng để phân hủy vật liệu. Chứng nhận BPI thường bao gồm một số cảnh báo có nội dung “CHỈ CÓ THỂ Ủ PH N CÔNG NGHIỆP/CƠ SỞ CÓ THỂ KHÔNG TỒN TẠI TRONG KHU VỰC CỦA BẠN”. Bạn không nên tái chế nhựa sinh học nếu thành phố hoặc thị trấn của bạn chưa xây dựng cơ sở ủ phân nhựa sinh học, bởi điều này có thể gây cản trở các quy trình tái chế thông thường được thiết kế cho nhựa làm từ dầu mỏ.
Seedling là ký hiệu đã đăng ký thuộc sở hữu của European Bioplastics. Ký hiệu này chứng minh rằng một sản phẩm được chứng nhận có thể phân hủy công nghiệp theo tiêu chuẩn Châu u EN 13432.
Khi được chứng nhận, sản phẩm có logo Seedling sẽ phân hủy hoàn toàn trong cơ sở ủ phân công nghiệp với các điều kiện được giám sát cẩn thận (chẳng hạn như nhiệt độ, độ ẩm và thời gian), và phân huỷ thành nước, sinh khối và carbon dioxide. Nơi tốt nhất để vứt bỏ sản phẩm có logo Seedling là nơi thu gom rác thải hữu cơ. Tuy nhiên, sản phẩm có thể được thải bỏ trong thùng chứa chất thải hỗn hợp nếu không có phương tiện thu gom chất thải hữu cơ cụ thể.
USDA Certified Biobased Product
Chứng nhận này thuộc khuôn khổ chương trình BioPreferred do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khởi xướng vào năm 2002 nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học. Sáng kiến này, là một phần của Dự luật Nông trại, nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm dầu mỏ đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các nguồn tài nguyên nông nghiệp có thể tái tạo. Nhãn Sản phẩm dựa trên sinh học được USDA chứng nhận (USDA Certified Biobased Product) nhằm mục đích thông báo cho khách hàng về thành phần sinh học có trên sản phẩm. Sản phẩm có chứa nhãn này có thể đảm bảo rằng nó bao gồm một mức độ cụ thể các thành phần sinh học có thể tái tạo đã được USDA xác nhận.
SCS Global Services là một trong những tổ chức chứng nhận và tiêu chuẩn bên thứ ba hàng đầu trên thế giới, chuyên về chứng nhận khả năng tái chế của mọi thứ từ quần áo và đồ trang sức đến công trình xanh và tiêu dùng thực phẩm. Chứng nhận “Vật liệu được tái chế” (Recycled Content) xuất hiện trên sản phẩm xác nhận rằng bao bì sản phẩm đáp ứng hoặc vượt quá các tiêu chí của ISO 14021 và Hướng dẫn xanh FTC và có thể được làm bằng vật liệu tái chế trước và sau khi tiêu dùng.
Sau khi cân nhắc các lập luận trên, lựa chọn an toàn và có lợi cho môi trường nhất vẫn tái sử dụng sản phẩm và từ chối toàn bộ đồ nhựa sử dụng một lần. Nếu bạn buộc phải chọn một món đồ dùng một lần, hãy chọn một món đồ làm bằng vật liệu dễ tái chế, chẳng hạn như kim loại hoặc thủy tinh. Nếu rất cần thiết phải sử dụng nhựa, hãy đảm bảo rằng loại vật liệu đó có thể được ủ phân tại nhà và được tạo ra từ các thành phần có thể phân hủy sinh học.
Tham khảo:
https://www.treehugger.com/recycling-symbols-decoded-4864145
https://www.zenpack.us/blog/decoding-20-common-green-packaging-symbols/