Các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn: Chúng là gì và làm thế nào áp dụng chúng vào thiết kế mô hình kinh doanh?
Thế nào là một nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế tuyến tính? Tại sao nền kinh tế tuần hoàn lại quan trọng?
Nền kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là nền kinh tế thiết kế để các tài nguyên có thể phục hồi và tái tạo. Trong một nền kinh tế tuần hoàn, các hoạt động kinh tế xây dựng và tái tạo hệ thống tổng thể và các tài nguyên sẽ được luân chuyển sử dụng nhiều lần trước khi kết thúc vòng đời của nó. Định nghĩa này tương phản với nền kinh tế hiện tại của chúng ta – nền kinh tế tuyến tính nơi chúng ta sử dụng các tài nguyên từ Trái Đất để tạo ra các sản phẩm mà chúng ta sử dụng, và khi chúng ta không còn muốn nữa thì vứt bỏ chúng. Nói một cách đơn giản, đây cũng có thể được gọi là nền kinh tế “khai thác -sử dụng- vứt bỏ”.
Nguồn: www.ellenmacarthurfoundation.org
Rõ ràng cách làm hiện tại của chúng ta đang đạt đến giới hạn của nó. Nền kinh tế tuyến tính sẽ sớm không còn hiệu quả đối với doanh nghiệp, con người hay môi trường. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn chế và chất thải và khí thải của chúng ta tiếp tục tích tụ theo thời gian. Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi (Earth Overshoot day) đánh dấu ngày mà nhu cầu của nhân loại đối với các nguồn tài nguyên và dịch vụ sinh thái trong một năm nhất định vượt quá những gì Trái đất có thể tái tạo trong năm đó. Ngày này vào năm 2021 chính là ngày 29 tháng 7. Soi kĩ hơn vào tình hình tại Việt Nam, 900 bãi rác trên khắp đất nước đang trở nên quá tải và chúng ta không thể tiếp tục dùng đến phá rừng để làm địa điểm cho những địa điểm này ở vùng ven các thành phố.
Đã đến lúc điểm cần tới sự xuất hiện của nền kinh tế tuần hoàn. Làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó? Hãy tưởng tượng các công ty giống như những chấm dọc theo vòng tròn và tạo thành một mạng lưới giữa các bên cung cấp và khách hàng. Mạng lưới này có thể được tổ chức như một đường thẳng giữa tài nguyên thiên nhiên và bãi chôn lấp (nền kinh tế tuyến tính) hoặc tạo ra một chu kỳ quay vòng nhiều lần mà không tạo ra rác thải (nền kinh tế tuần hoàn). Chúng ta cần vô số mô hình kinh doanh liên kết với nhau để tạo ra các chuỗi giá trị và khối kinh tế tuần hoàn, cuối cùng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự có thể hình thành ở Việt Nam.
Từ nền kinh tế tuần hoàn sang mô hình kinh doanh tuần hoàn
Một cách để có thể hiểu rõ hơn về nền kinh tế tuần hoàn là hiểu nó thông qua ba nguyên tắc cơ bản và cách mà các nguyên tắc này có thể được áp dụng trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Nguồn: www.ellenmacarthurfoundation.org
Nguyên tắc đầu tiên của nền kinh tế tuần hoàn là loại bỏ chất thải và ô nhiễm. Chúng ta cần coi chất thải và ô nhiễm là những sai sót trong thiết kế chứ không phải là sản phẩm phụ không thể tránh khỏi từ những thứ chúng ta tạo ra. Bằng cách thay đổi tư duy và khai thác các vật liệu và công nghệ mới, chúng ta có thể đảm bảo những chất thải này không được tạo ra ngay từ đầu hoặc được tái sử dụng nhiều lần. Vậy điều đó có ý nghĩa gì đối với mô hình kinh doanh tuần hoàn? Những chủ doanh nghiệp có thể hướng tới nguồn sản phẩm và nguyên liệu từ nền kinh tế, chứ không phải từ nguồn dự trữ của sinh thái tự nhiên – ví dụ như lựa chọn các nguyên liệu tái chế, sử dụng các bộ phận hoặc sản phẩm cũ, tái sinh thay vì mặt hàng mới, nguyên sinh.
Nguyên tắc thứ hai là tối đa hóa thời gian mà sản phẩm và nguyên vật liệu tiếp tục được sử dụng. Chúng ta có thể thiết kế các sản phẩm để chúng có thể được tái sử dụng, được sửa chữa hoặc được tái sản xuất. Làm cho mọi thứ tồn tại mãi mãi không phải là giải pháp duy nhất. Khi nói đến các sản phẩm như thực phẩm hoặc bao bì, chúng ta có thể giữ cho chúng được tuần hoàn, có một hành trình mới để chúng không bị chôn vùi trong bãi rác. Vậy với với mô hình kinh doanh tuần hoàn, điều này nghĩa là là tạo ra giá trị cho khách hàng bằng cách gia tăng giá trị của các sản phẩm và nguyên vật liệu hiện có. Việc này có thể liên quan đến sự kết hợp của các quy trình công nghệ tái tạo phục hồi (như nâng cấp, nâng cấp, sửa chữa, phân loại hoặc xử lý) và quy trình thiết kế (như xây dựng thương hiệu hoặc kết hợp yếu tố dịch vụ). Ngoài ra, mô hình kinh doanh tuần hoàn nên tạo ra các giá trị đầu vào cho các doanh nghiệp khác ngoài khách hàng của họ bởi nền kinh tế không chỉ dừng lại và gói gọn ở mỗi khách hàng. Nếu vật liệu và sản phẩm họ bán không có giá trị hoặc mục đích sau khi khách hàng sử dụng xong, chúng sẽ trở thành chất thải, và do đó trở thành chi phí cho xã hội, và xa hơn nữa – tổn hại tới môi trường. Các chủ doanh nghiệp nên đặt mục tiêu phấn đấu tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp khác hoạt động ở khâu hạ nguồn.
Nguyên tắc thứ ba là tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Nền kinh tế tuần hoàn tránh sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo và tăng cường các nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Chẳng hạn như bằng cách trả lại cho đất các chất dinh dưỡng có giá trị để đất có thể hỗ tái tạo, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo thay vì dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Nguyên tắc này cần được áp dụng đặc biệt trong các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp.
Phân tích ví dụ về Glassia – một mô hình kinh doanh tuần hoàn
Với tầm nhìn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Evergreen Labs đã phát triển thành công nhiều mô hình kinh doanh bền vững trong 5 năm qua. Trong phần phân tích ví dụ điển hình này, chúng ta sẽ đi sâu vào cách các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào mô hình kinh doanh của Glassia – một dự án kinh doanh vừa ra mắt của chúng tôi vào tháng 3 năm 2021.
Glassia là một doanh nghiệp xã hội chuyển đổi chuỗi cung ứng tuyến tính của nước đóng chai thành một hệ thống tuần hoàn. Dịch vụ trọn gói của chúng tôi đảm bảo rằng các chai được thu hồi, khử trùng và chiết rót lại để hoàn toàn lưu thông và không sử dụng nhựa. Trái ngược với chai nước nhựa PET hiện tại chỉ sử dụng một lần và với tỷ lệ thu gom dưới 30% ở Việt Nam, khả năng những chai nhựa này được quay trở lại tái chế rất thấp. Các loại nước đóng chai thủy tinh khác hoặc được nhập khẩu hoặc không được chiết rót lại, có nghĩa là những chai thủy tinh thực sự có tác động đến môi trường cao hơn nhựa. Cơ sở đóng chai đầu tiên của chúng tôi được đặt tại thành phố Đà Nẵng và sắp tới sẽ có thêm các cơ sở khác trên khắp cả nước.
Nguồn: www.glassiawater.com
Nguyên tắc đầu tiên – thiết kế để loại bỏ rác thải và ô nhiễm: Về bao bì sản phẩm, chúng tôi loại bỏ rác thải từ nhãn bằng cách chọn in trực tiếp trên chai, thay vì sử dụng nhãn nhựa hoặc giấy. Tuy nhiên, điều này đã hạn chế chúng tôi trong các lựa chọn công nghệ in và các công ty in ấn, vì vậy chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian để tìm kiếm công ty in ấn trên chai phù hợp. Mặc dù chi phí ban đầu có thể cao hơn, nhưng nó sẽ dần không đáng kể khi các chai được sử dụng lại. Bên cạnh đó, Glassia giảm thiểu khí thải việc vận chuyển bằng cách thiết kế mô hình kinh doanh của mình phân nhánh với một cơ sở đóng chai tại mỗi tỉnh thành. Phương pháp tập trung phục vụ nhu cầu địa phương của chúng tôi làm giảm lượng khí thải CO2 thường đến từ nước nhập khẩu hoặc mô hình sản xuất nước đóng chai tập trung.
Nguyên tắc thứ hai – tối đa hóa thời gian sản phẩm và nguyên vật liệu được tiếp tục sử dụng: Bên cạnh hệ thống tái sử dụng hoàn toàn tuần hoàn, chúng tôi cũng cung cấp cho các doanh nghiệp tùy chọn nhãn hiệu riêng để sản phẩm đó trở thành là sản phẩm của họ và do đó được sử dụng lâu nhất có thể. Để giúp nguyên liệu được sử dụng tại các doanh nghiệp ở khâu hạ nguồn, chúng tôi đảm bảo các chai thủy tinh vỡ và nắp nhôm cũng sẽ được tái chế. Đối với những chai bị vỡ, chúng tôi đang thiết lập một chương trình thu gom thủy tinh trên toàn thành phố, nơi những chai được thu gom sẽ được vận chuyển trở lại nhà sản xuất, nấu chảy và làm thành những chai mới. Glassia cũng khuyến khích khách hàng trả lại các nắp nhôm cùng với các chai để chúng tôi có thể tổng hợp và gửi chúng đến trung tâm tái chế.
Nguyên tắc thứ ba – tái tạo hệ thống tự nhiên: Nguyên tắc này vẫn chưa được áp dụng trong mô hình kinh doanh của Glassia, tuy nhiên chúng tôi cố gắng duy trì tác động môi trường thấp nhất có thể bao gồm việc sử dụng điện ở mức tối thiểu.
Glassia chỉ là một ví dụ về mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể kiếm được lợi nhuận bằng cách cung cấp một giải pháp độc đáo đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sau đó tạo ra tác động tích cực đến môi trường. Các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể hình thành với các cấu trúc và quy mô khác nhau. Do đó, nếu hiện tại bạn là chủ doanh nghiệp, chúng tôi khuyên bạn nên phân tích mô hình kinh doanh của mình để xem liệu có thể áp dụng bất kỳ nguyên tắc nào nêu trên để điều chỉnh hay không. Mặt khác, nếu bạn có tinh thần khởi nghiệp và muốn sớm mở cơ sở kinh doanh của riêng mình, hành trình của bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay bằng cách nhìn vào chuỗi giá trị mà bạn quan tâm và tìm ra cơ hội cho mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Hãy tham gia chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn cùng với chúng tôi!
Thông tin tham khảo: