Biến đổi khí hậu – “Trì hoãn đồng nghĩa với cái chết.” – Năm bài học rút ra từ Báo cáo IPCC 2022
Vào 28/02/2022, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố Báo cáo đánh giá lần thứ sáu nhằm xem xét tính dễ bị tổn thương của các hệ sinh thái và xã hội con người trước biến đổi khí hậu cũng như thảo luận về các khả năng thích ứng. So với các đánh giá trước đó, báo cáo này tập trung nhấn mạnh tính công bằng xã hội, sự cần thiết của các hành động khẩn cấp và sự đa dạng của các nguồn tri thức từ người dân bản địa và địa phương. “Một tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người” – là điều mà báo cáo nhấn mạnh mỗi người cần hành động để tạo dựng ngay hôm nay.
Để làm được điều đó, hãy cùng Evergreen Labs tìm hiểu năm bài học rút ra từ báo cáo sau đây nhé:
- Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người
Biến đổi khí hậu đã và đang tàn phá sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Một nửa nhân loại đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, và hàng tỷ người khác phải chống chọi với những đợt nắng nóng quá mức, theo sau đó là bệnh dịch lây truyền do vector và nạn đói trầm trọng. Theo báo cáo, trên thế giới trong ba người thì có một người đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng gia tăng nhiệt độ, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 50% đến 75% vào cuối thế kỷ này. Mỗi năm, có thêm nửa triệu người phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt lớn, và vào năm 2050, dự kiến có một tỷ người sống dọc các bờ biển sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Báo cáo cảnh báo rằng, tại Bắc Mỹ, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang dần gia tăng, chẳng hạn như bão và cháy rừng, khiến nhiều người chết cũng như bị rối loạn thể chất và tinh thần. Úc lại đang hứng chịu tình trạng “gia tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật liên quan đến nhiệt đối với con người và động vật hoang dã”, thậm chí các cộng đồng sinh sống ở đảo nhỏ đang phải lo sợ về “sự hủy diệt” trong tương lai. Ở Trung và Nam Mỹ, báo cáo cũng dự đoán “những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do dịch bệnh ngày càng gia tăng”, đặc biệt là các bệnh do côn trùng và động vật khác lây lan. Trong lúc đó, một trong những hiểm họa lớn nhất của châu Á là lũ lụt, và châu Phi thì lại bị nạn đói hoành hành do tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp.
Emily Shuckburgh, giám đốc sáng kiến Cambridge Zero tại Đại học Cambridge, chia sẻ rằng: “Mọi người trên khắp thế giới đang phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu với nhiệt độ ấm lên toàn cầu là 1,1 độ C. Nếu vượt ngưỡng 1,5C thì sự hòa bình, an ninh, ổn định kinh tế lẫn môi trường sẽ rơi vào tình trạng nguy cấp trên khắp hành tinh của chúng ta, và đây là mối đe dọa hiện sinh đối với quá nhiều người”.
- Nhiều tài nguyên thiên nhiên sẽ biến mất vĩnh viễn
Mặc dù báo cáo tập trung phân tích các phương án thích ứng, nhưng nó cũng truyền tải một thông điệp rất rõ ràng: có nhiều thiệt hại và mất mát hiện đã hoặc đang trên đà không thể cứu vãn được nữa. Biến đổi khí hậu với tác nhân chính là con người đang gây ra “những tổn thất ngày càng không thể phục hồi, đối với các hệ sinh thái biển trên cạn, nước ngọt, ven biển và đại dương”. Ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu vẫn ở mức dưới 1,6 độ C vào năm 2100, 8% diện tích đất nông nghiệp ngày nay sẽ không còn thích hợp với tình trạng khí hậu đó, và cũng không thể đáp ứng khi dân số thế giới đạt 9 tỷ người. Báo cáo cho rằng bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thế nhưng động vật và thực vật đang và sẽ phải chống chọi với các hiện tượng khí hậu chưa từng xảy ra trong hàng chục nghìn năm qua. Một nửa số loài được nghiên cứu đã buộc phải dời phạm vi sinh sống và nhiều loài khác cũng đang trên đà tuyệt chủng.
Sự tan chảy của sông băng và những thay đổi đối với các hệ sinh thái núi và Bắc Cực do lớp băng vĩnh cửu tan ra cũng là những tác động “không thể cứu vãn được” do biến đổi khí hậu. Theo báo cáo, vào năm 2050, ít nhất một tỷ người có nguy cơ mất nhà cửa do các cơn bão diễn ra càng trầm trọng hơn do mực nước biển tăng.
- Chúng ta có thể thích ứng ở một mức độ nhất định
Nghiên cứu dài 4.000 trang nêu bật nhiều phương án thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm các phương pháp sáng tạo và thiết thực nhằm tăng cường an ninh lương thực và bảo đảm nguồn nước cũng như bảo tồn các hệ sinh thái. Báo cáo chỉ ra rằng, các giải pháp thích ứng hiện đang được lồng ghép trong các chính sách khí hậu và quy trình lập kế hoạch ở ít nhất 170 quốc gia và nhiều thành phố. Việc thích ứng có tiềm năng cải thiện sản lượng nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, y tế, an ninh lương thực, sinh kế và bảo vệ đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, các nỗ lực thích ứng hiện nay, bao gồm cả sự đầu tư của khối tư nhân, vẫn chưa đủ để ngăn chặn hoặc quản lý hiệu quả các nguy cơ khí hậu đang gia tăng. Theo báo cáo, các chương trình thích ứng không được trải đều trong khu vực và thường xuyên bị thiếu vốn. Tệ hơn nữa, báo cáo dự đoán chúng ta “không thể loại bỏ” tất cả các tổn thất và thiệt hại ngay cả khi có đủ tài chính và sự quản lý thích hợp.
Bởi vì quy mô của biến đổi khí hậu sẽ giảm đáng kể nếu mức tăng nhiệt độ được duy trì gần 1,5 độ C, báo cáo chỉ ra rằng nếu lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu không giảm “cực kỳ nhanh”, các phương pháp thích ứng mà xã hội con người có thể lựa chọn sẽ ngày càng “hạn chế”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết khi công bố báo cáo rằng: “Sự thích ứng cứu sống mạng người. Khi các tác động tiêu cực của khí hậu đã, đang và sẽ ngày càng trầm trọng hơn – việc tăng quy mô đầu tư sẽ là điều thiết yếu để giữ cho chúng ta tồn tại. Trì hoãn đồng nghĩa với cái chết.”
- Người nghèo nhất lại chịu tác động lớn nhất
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi người, nhưng không phải tất cả đều bị ảnh hưởng như nhau. Timon McPhearson, một nhà sinh thái học đô thị tại The New School ở New York và là một trong 270 tác giả của báo cáo, đã nói rằng, “Chính những người nghèo và bị thiệt thòi nhất là những người dễ bị tổn thương nhất.” Trong đó có thể kể đến người dân ở các nước đang phát triển ở Châu Phi, Nam Á và các đảo quốc nhỏ bé, cũng như nhóm bị lề hóa trong xã hội các nước giàu có hơn như Hoa Kỳ.
Hiện tại, có tới 3,6 tỷ người được xem là “rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu”, và con số này dự kiến sẽ còn tăng cao. Theo báo cáo, “những thiệt hại và tổn thất” về khí hậu “tập trung mạnh mẽ ở những nhóm dân số nghèo, dễ bị tổn thương nhất”, trong khi họ chính là nhóm ít góp phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu nhất. Một số tác động đã gây ra thiệt hại lớn và không tương xứng giữa các khu vực, với tỷ lệ tử vong do lũ lụt, hạn hán và bão ở các nước dễ bị tổn thương lớn gấp 15 lần so với các nước ít bị tổn thương trong suốt thập kỷ qua. Tình trạng suy dinh dưỡng đã tăng lên ở nhiều cộng đồng, đặc biệt là “trong số những người dân bản địa, các hộ sản xuất nhỏ và các hộ gia đình có thu nhập thấp, trong đó trẻ em và phụ nữ mang thai đặc biệt bị ảnh hưởng”.
Báo cáo cũng cho thấy rõ rằng đối phó với khủng hoảng khí hậu không chỉ là một vấn đề thuộc phạm trù khoa học mà còn liên quan đến xã hội. Đưa ra các hành động giải quyết “bất bình đẳng như bất bình đẳng dựa trên giới tính, dân tộc, khả năng, tuổi tác, vị trí và thu nhập” là cách tốt nhất để bảo vệ trước thảm họa khí hậu một cách hiệu quả và bền vững. Báo cáo khẳng định rằng các giải pháp phải kết hợp với tính công bằng xã hội và luôn có sự tham gia của người bản địa, dân tộc thiểu số và người nghèo.
- Từng mức nhiệt nhỏ nhất tăng lên đều đáng cảnh báo
Báo cáo này được công bố ba tháng sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Theo báo cáo, “tổn thất và thiệt hại leo thang với mỗi mức nhiệt toàn cầu tăng lên”, ngụ ý rằng bất kỳ nỗ lực nào để giảm lượng khí thải hoặc giúp thích ứng là rất quan trọng. Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C sẽ không ngăn chặn được, nhưng sẽ giảm đáng kể nhiều thiệt hại với môi trường, xã hội và kinh tế.
Một số ví dụ có thể được kể đến như: để giảm sự nóng lên toàn cầu và tăng mức độ người dân đi bộ ở thành phố, các khu đô thị có thể xây dựng thêm các thảm thực vật tự nhiên, cây cối, các bức tường và mái nhà xanh. Luật pháp có thể đưa ra các quy định về hiệu quả xây dựng để hỗ trợ việc chuyển đổi quy hoạch đô thị và giảm chi tiêu năng lượng. Các con sông có thể được khôi phục lại tình trạng ban đầu bằng cách loại bỏ các đập nhân tạo và các đặc điểm nhân tạo khác, giúp bảo vệ con người trước lũ lụt, tạo ra các môi trường sống mới và sinh kế bền vững cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Các phương pháp canh tác tái sinh có thể được sử dụng nhằm tăng tính đa dạng sinh học.
Các nhà khoa học trong báo cáo IPCC cho biết chỉ còn chưa đầy một thế hệ nữa là kết thúc thế kỷ, là khi một đứa trẻ sinh ra hôm nay bước sang tuổi 78 vào năm 2100: “Những hành động được thực hiện ngay bây giờ sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của con cái chúng ta.”
Christiana Figueres, cựu giám đốc khí hậu của Liên hợp quốc và hiện là thành viên nhóm Global Optimism, cho biết: “Chúng ta có thể ngăn ngừa và bảo vệ mình khỏi thời tiết khắc nghiệt, nạn đói, các vấn đề sức khỏe và hơn thế nữa bằng cách cắt giảm lượng khí thải và đầu tư vào các chiến lược thích ứng. Bằng chứng khoa học và các giải pháp đã rất rõ ràng rồi. Một tương lai được kiến tạo như thế nào là tùy thuộc vào chính chúng ta.”
Để biết thêm thông tin về báo cáo IPCC, hãy tham khảo tại đây, và để biết thêm các chủ đề xoay quanh khí hậu, đừng quên theo dõi các kênh truyền thông xã hội của Evergreen Labs nhé!